Anh Bình chăm sóc đàn thỏ

Vượt khó

Sinh ra và lớn lên ở xã Phong Mỹ, một trong những xã còn khó khăn của huyện Phong Điền, anh Bình xung phong đi kinh tế mới ở vùng Đaklak – Tây Nguyên như bao lứa thanh niên trong làng. Tưởng ở vùng đất mới cuộc sống sẽ khấm khá hơn, nhưng sau bao năm lăn lộn, làm đủ nghề kiếm sống anh Bình vẫn chưa tìm kiếm được hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Năm 2005  vợ chồng anh quyết định dắt dìu nhau về quê ngoại sinh sống (Phong Chương – Phong Điền). Đất đai ở đây khô cằn, khó khăn cho việc trồng trọt hoa màu, lúa nước, dân cư lại thưa thớt; thậm chí nhiều vùng hoang vắng không có người sinh sống. Nhưng đổi lại, ở đây đất đai “dư thừa”, rất thuận lợi trong viêc xây dựng trang trại. Anh Bình quyết định  chọn mảnh đất này để lập nghiệp.

Dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát (gọi tắt là dự án 611) của Chính phủ, đã tạo điều kiện cho anh và nhiều người dân đăng kí tham gia vào việc trồng rừng tư nhân cũng như tiền đề thành lập trang trại, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Cha vợ cho 5 ha đất. Chính quyền địa phương hỗ trợ về mọi mặt, anh Bình mạnh dạn đầu tư trồng rừng. Vẫn biết, lựa chọn hướng đi này sẽ phải bỏ ra nhiều công sức, nhưng rất lâu sau mới có thể thu hoạch. Đó là chưa tính đến những rủi ro do khó khăn thử thách từ thiên nhiên, môi trường.

Là vùng cát trắng, việc trồng trọt gặp khó. Mặt khác, không có dân cư sinh sống, nên điện vẫn chưa có. Hai bàn tay trắng, vợ chồng anh Bình phải “xoay chạy” vốn liếng khắp nơi. Những ngày đầu, anh Bình “toát mồ hôi” xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Từng mầm cây được cần mẫn ươm trên đồi cát, để cuối cùng thành rừng xanh sức sống. Thế nhưng, đối với việc chăn nuôi khó khăn vẫn bộn bề. Mỗi ngày anh Bình phải xách hàng chục thùng nước từ Bàu Thiềm (ở cách xa trang trại) lên tắm cho đàn heo.

Quả ngọt

Sau khi tự bỏ một số tiền lớn để kéo hệ thống đường dây điện dài 1,1km từ thôn Đức Phú xã Phong Hòa về,  năm 2007 anh Bình đầu tư, mở rộng diện tích thêm 6 ha để phát triển các loại hình chăn nuôi, trồng thủy sản khác. Ngoài việc vẫn tiếp tục trồng rừng, anh Bình nuôi heo với số lượng vài chục con, hợp đồng với chính quyền địa phương đào 3500m2 hồ để thả nhiều loại cá như cá rô, cá chim, cá lóc… Năm 2010, anh Bình bắt đầu gặt hái thành công sau những năm tháng miệt mài, đổ bao mồ hôi, tâm huyết với trang trại.

Thời gian heo còn được giá, lúc cao điểm anh Bình nuôi từ 150 – 200 con heo, mỗi năm khoảng 3 lứa và tự cung cấp giống heo cho mình. Nắm bắt xu hướng thị trường, ngoài việc nuôi heo, anh Bình “mở rộng” nuôi các con vật khác mang lại lợi nhuận cao như thỏ, dê, chim bồ câu, thả cá với số lượng lớn. Tổng doanh thu mỗi năm của anh Bình lên đến 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, anh Bình thu lãi vài trăm triệu đồng /năm.

Với diện tích 11 ha đất canh tác, anh Bình đã trở thành một tỷ phú trên vùng cát trắng, với mô hình chăn nuôi VACR. Thành công của anh Bình đã lan tỏa niềm tin, cảm hứng cho nhiều gia đình khác trên mảnh đất này theo hướng phát triển kinh tế từ mô hình VACR.

Văn Xuân