Lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra họng nước chữa cháy tại khu dân cư
Thiếu nguồn nước chữa cháy
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 331 trụ nước chữa cháy; trong đó, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế lắp đặt 100 trụ, số còn lại do đại diện ban quản lý các khu công nghiệp, khu dân cư, khách sạn, chợ… tự lắp đặt. Trong số đó có 324 trụ (97,89%) hoạt động bình thường, 7 trụ (2,11%) không sử dụng được. Một số trụ nước bị hoen gỉ, lún nghiêng, xuống cấp do công tác bảo dưỡng, duy tu chưa được thực hiện thường xuyên, hoặc do quá trình thi công đào đường, lát vỉa hè thiếu cẩn thận trên một số tuyến phố, gây sự cố hỏng hóc. Ngoài ra, có khoảng 45 điểm ao, hồ, sông ngòi là những nguồn nước tự nhiên có thể phục vụ công tác chữa cháy nhưng vẫn không có điểm dừng, đỗ hút nước chữa cháy.
Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết, thực tế các trụ nước chữa cháy trước khi lắp đặt phải có sự đồng ý của cảnh sát PCCC, khi hoàn thành phải được kiểm định, nghiệm thu thiết bị PCCC. Trước đây một số nơi chưa tuân thủ theo nguyên tắc trên nên nhiều trụ nước chữa cháy được lắp đặt với các chủng loại khác nhau, trong khi đó trang thiết bị chữa cháy của cảnh sát PCCC tỉnh không trùng khớp với việc đấu nối vào họng nước lúc xảy ra cháy. Đó là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp mặc dù lực lượng PCCC có mặt sớm tại hiện trường nhưng vẫn chưa đấu nối với họng nước chữa cháy. Đây là một bất cập cần sớm điều chỉnh.
Ông Trương Công Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế chia sẻ, trong số 100 họng nước do công ty lắp đặt, có 97 họng nước ở TP. Huế, số còn lại ở trung tâm huyện lỵ, chợ, khu đô thị mới, khu công nghiệp. Tất cả các trụ nước chữa cháy này đều có hồ sơ xuất xứ và phiếu kiểm tra chất lượng sau khi lắp đặt. Vị trí các trụ nước được lắp đặt hợp lý, thuận lợi trong việc lấy nước ứng cứu chữa cháy, đảm bảo 24/24 giờ. Đồng thời, công ty duy trì áp lực mạng lưới tại các họng nước cứu hỏa ở mức cao nhằm phục vụ tốt nhất khi xảy ra cháy. Tuy nhiên, theo ông Trương Công Nam, việc lắp đặt họng nước cứu hỏa hiện nay chủ yếu từ nguồn vốn đầu tư của công ty, nguồn ngân sách và từ các chủ đầu tư rất hạn chế.
Lắp đặt thêm 200 trụ cấp nước
Ông cha ta có câu “Nước xa không cứu được lửa gần”. Thực tế chứng minh, giải quyết tốt nguồn nước chữa cháy tại đô thị, khu công nghiệp không chỉ tạo thuận lợi cho lực lượng PCCC khi tác nghiệp mà quan trọng hơn sẽ làm giảm thiệt hại về người và tài sản. Đại tá Hoàng Văn Thành cho biết, sau khi khảo sát thực tế, Cảnh sát PCCC sẽ đề xuất UBND tỉnh tiến hành lắp đặt thêm gần 200 trụ nước chữa cháy tại khu vực trọng điểm, khảo sát 10-15 điểm xây dựng bến bãi để xe chữa cháy lấy nước khi xảy ra cháy. Trong khi đó, ông Trương Công Nam cho hay, theo dự án cấp nước toàn tỉnh giai đoạn 2015- 2020, từ nguồn vốn vay ưu đãi ADB, công ty sẽ lắp đặt thêm 141 họng nước cứu hỏa trên địa bàn toàn tỉnh trong giai đoạn 2017-2019 với chi phí gần 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kinh phí lắp đặt, nguồn nước, việc duy tu bảo dưỡng, quản lý họng nước sẽ giao cho cơ quan cấp nước hay cơ quan chữa cháy vẫn chưa rõ ràng. Hiện, vẫn chưa có quy chế phối hợp chính thức giữa Cảnh sát PCCC tỉnh và Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế. Ông Trương Công Nam khẳng định, việc thực hiện quy chế phối hợp trong thời gian tới là rất cần thiết, nhằm phối hợp tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trong công tác quản lý, bảo dưỡng, duy tu, lắp đặt mới theo đúng quy định của pháp luật về PCCC. Đồng thời, vận động người dân tham gia quản lý, bảo vệ và xử lý hành vi vi phạm pháp luật… nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất trong PCCC.
Theo thông tin từ Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, sắp tới đơn vị sẽ làm việc với Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế để ký kết quy chế phối hợp hoạt động và thống nhất một số nội dung nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực PCCC.
Thông tư liên tịch số 04/2009 của Bộ Xây dựng và Bộ Công an hướng dẫn việc thực hiện việc cấp nước PCCC tại đô thị và các khu công nghiệp, việc quản lý, sử dụng và bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC quy định: Đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo dưỡng, bảo vệ hệ thống cấp nước tập trung và các họng, trụ nước PCCC được lắp đặt trên các tuyến ống do mình quản lý, các bể chứa nước, giếng khoan cấp nước PCCC tại các khu dân cư tập trung phục vụ công tác PCCC. Đơn vị thoát nước chịu trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo vệ các điểm lấy nước PCCC tại các ao, hồ, sông, suối, kênh... được quy hoạch, xây dựng làm điểm lấy nước PCCC. Đơn vị quản lý hạ tầng chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo dưỡng và bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC tại các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chức năng theo dự án. Cảnh sát PCCC có trách nhiệm phối hợp với đơn vị cấp nước trong việc dự kiến kế hoạch sử dụng nước cần thiết cho công tác PCCC hàng năm và xác nhận số lượng nước đã sử dụng cho công tác PCCC từ hệ thống cấp nước đô thị và khu công nghiệp. Cảnh sát PCCC và các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống cấp nước PCCC có trách nhiệm định kỳ kiểm tra chất lượng hệ thống cấp nước PCCC. Trường hợp phát hiện hệ thống cấp nước PCCC bị hư hỏng thì đơn vị quản lý, vận hành hệ thống cấp nước PCCC phải có kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng trong thời gian sớm nhất. Chủ công trình, chủ cơ sở chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC cục bộ tại các công trình, cơ sở đó. Tổ chức và cá nhân chỉ được lấy nước từ hệ thống cấp nước PCCC phục vụ cho mục đích PCCC. Các bến, bãi lấy nước PCCC phải được sử dụng đúng mục đích cho công tác PCCC... |
Bài, ảnh: THÁI BÌNH