Cũng nằm trong "trào lưu" chung đó, năm nay, chị cũng tất bật ngược xuôi lo cho cậu quý tử vào lớp 10. Tất nhiên, so với đầu cấp tiểu học và THCS, chuyện "chạy" vào lớp 10 là rất hạn hữu. Ở cấp học này, quan trọng là điểm cộng kết quả học tập của 4 năm THCS và kết quả thi tuyển. Nếu tổng điểm so với điểm chuẩn vào trường mà "ao" là xem như khó. Khó, nhưng biết đâu vẫn "có đường", nếu không thì làm gì có chuyện xã hội đồn ầm ra đấy. Vậy là, ngay từ trước ngày thi, chị đã lo cuống cuồng đi "dò đường".

Quý tử của chị học không xuất sắc lắm nhưng cũng không phải thuộc loại yếu kém. Chỉ có điều, thời gian sau này cháu bước vào tuổi dậy thì, thay đổi tâm sinh lý, lại thêm vợ chồng chị lo làm ăn, ỷ lại và phó mặc con cho các thầy cô dạy thêm, vậy là cháu tha hồ muốn làm trời làm đất gì thì làm. Từ một thằng bé ngoan hiền, nay đã biết... trốn học đi chơi, xăm trổ, và cả tập hút... Shisa. Sức học vì thế sút hẳn. Người thân, bạn bè biết, định góp ý nhưng ngại. Cha mẹ nào cũng xem con mình là số 1, thích nghe khen chứ không thích chê, góp ý nhỡ không được nghe nhiều khi còn bị... mắng, phiền!

Nhưng, may mắn là trong số những người quen biết cũng có người trực tính. Thấy chị loay quay lo lắng dò hỏi, người này thẳng ruột bảo: "Việc quan trọng trước hết là phải quản lý, rèn tính rèn nết lại cho thằng con để nó biết lo, biết học. Bây giờ còn có thể điều chỉnh, chứ để lâu, nó trượt dài thì bỏ. Con không lo, cứ lo trường. Lo trường mà nó không lo học thì cũng bỏ!". Chị chưng hửng, vẻ không vui. Nhưng sau đó, được biết chị đã "làm việc" nghiêm túc với con để chấn chỉnh. "Đúng là trường trường lớp lớp chi rộn bộ. Trường ngon mà con không học cũng bỏ! Bây chừ phải nhắc, phải quản thôi...".

Nghe chị tâm sự với bạn bè, tôi chợt thấy mừng. Hy vọng một kết cục có hậu sẽ đến với chị và cậu quý tử.

Thượng Bích