Công nhân nước ngoài làm việc trên một công trường xây dựng tại Doha, Qatar - Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, thông tin từ Ủy ban nhân quyền Qatar ngày 28/6 cho biết các lao động nước ngoài người Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Nepal đã bị chủ người Qatar bỏ lại Saudi Arabia trong tình trạng không nơi ăn chốn ở, không tiền bạc.

Ông Ali bin Smaikh al-Marri, chủ tịch Ủy ban nhân quyền Qatar, cho biết rất nhiều lao động nước ngoài bị ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng quan hệ giữa các nước vùng Vịnh.

Theo ông al-Marri, nhiều lao động bị ảnh hưởng là những người chuyên chở gia cầm, gia súc qua lại giữa Saudi Arabia và Qatar.

Ông al-Marri giải thích: “Thường thì các lao động này đi cùng với chủ người Qatar vì các chủ Qatar thường thuê thêm nông dân và đưa họ đi làm việc cùng các công nhân trong nước của họ và các tài xế”.

“Các lao động này không được phép trở về Qatar và nay họ đang sống bất hợp pháp tại Saudi Arabia, không được đảm bảo nhu cầu sống cơ bản. Họ không có chỗ ở và không tiền bạc”.

Từ ngày 5/6, bốn nước Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain đã tuyên bố cắt quan hệ với Qatar vì cáo buộc chính quyền Doha bảo trợ khủng bố.

Bốn nước trên đóng cửa không phận với máy bay của Qatar Airlines, đồng thời đóng cửa luôn đường biên giới trên bộ duy nhất giữa Qatar và Saudi Arabia, vốn là lộ trình thiết yếu cho việc nhập khẩu lương thực của Qatar.

Các nước yêu cầu mọi công dân Qatar trở về nước và yêu cầu công dân nước họ ở Qatar cũng lập tức hồi hương.

Qatar có áp dụng hệ thống bảo lãnh giữa chủ lao động với người lao động. Tuy nhiên hiện chưa rõ vì sao các lao động nhập cư người châu Á lại bị chủ Qatar bỏ lại Saudi Arabia và tại sao họ không có giấy tờ hợp lệ để trở về.

Mới đây, khoảng 12.000 con lạc đà và cừu cũng đã bị buộc phải đưa từ Saudi Arabia về Qatar do những căng thẳng ngoại giao khu vực.

Theo tin TTXVN phát ngày 11/6, Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Hoằng cho biết cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Qatar có gần 2.000 người, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông (khoảng 1.800 người) làm việc tại các công trường xây dựng theo diện hợp đồng được các công ty lao động trong nước gửi sang; một số ít trong cộng đồng là những nhà khoa học, tiến sĩ, làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, các giàn dầu khí, các công ty xây dựng.

Những số này thường là lao động dài hạn mang theo cả gia đình nhưng cũng không đông, chỉ khoảng vài chục gia đình; một số làm việc trong các lĩnh vực như hàng không của Qatar, các công ty vệ sinh môi trường, chăm sóc sắc đẹp,… nhưng cũng không nhiều. 

Theo Đại sứ Nguyễn Hoằng, trước tình căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước vùng Vịnh những ngày qua, một số bà con phần nào lo lắng. Tuy nhiên, về cơ bản, đời sống và công việc của bà con không có nhiều xáo trộn, tâm lý tương đối ổn định. 

Trong bối cảnh đó, Đại sứ quán luôn làm hết sức mình để bảo vệ con người, tài sản hợp pháp, bảo đảm cuộc sống ổn định cho bà con. Đại sứ quán đã khẩn trương triển khai các biện pháp bảo vệ công dân như ngay lập tức thông tin cho cộng đồng để làm công tác tư tưởng, đề nghị bà con bình tĩnh theo dõi sát tình hình để có phản ứng thích hợp.

Đại sứ quán cũng đã chủ động liên hệ với các đầu mối, các công ty tại địa bàn công dân ta đang làm việc để cập nhật tình hình, thông báo đường dây nóng của Đại sứ quán để bà con tiện liên hệ.

Trường hợp cần sự hỗ trợ, người lao động có thể liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar theo số điện thoại: +974 4412 8480, +974 4412 8365, +974  4412 8366, hoặc theo đường dây nóng +84 98 7476 466, +84 90 4240 468hoặc +84 4 39366633 của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội.

Theo Tuổi trẻ