Trồng gừng trong bao-mô hình mới của HTX Tân Mỹ (Phong Điền)

Loay hoay

Giám đốc HTX Tân Mỹ (Phong Điền), ông Đỗ Đình Khang trăn trở trước sự “lão hóa” đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Độ tuổi cán bộ quản lý của HTX trung bình trên 50 tuổi. Trong khi trình độ văn hóa, chuyên môn, năng lực công tác còn nhiều hạn chế là trở lực trong quá trình điều hành hoạt động SXKD. Ban giám đốc HTX luôn quan tâm, tạo điều kiện cho lớp trẻ, có trình độ vào làm việc tại HTX, nhưng hầu hết các em sau khi tốt nghiệp đại học đều không trở về địa phương mà tìm việc làm tại các tỉnh, thành phố khác.

HTX Thuận Hòa (TX.Hương Trà) sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đã có bước chuyển biến, từ hoạt động thua lỗ triền miên đã bắt đầu có lãi. Giám đốc HTX Thuận Hòa, ông Nguyễn Ngọc Bình cho biết, sau khi chuyển đổi theo luật mới, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, củng cố theo hướng trẻ hóa, có năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, đến nay HTX vẫn loay hoay trong việc tìm hướng đi phù hợp, hiệu quả trong hoạt động SXKD.

Các khâu làm đất, thu hoạch bằng cơ giới là định hướng của HTX Thuận Hòa, nhưng đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư khá lớn, trong khi nguồn lực tài chính còn nhiều khó khăn. Số máy gặt đập liên hợp, làm đất của các hộ cá nhân ngày càng nhiều, nếu HTX đầu tư các dịch vụ này thì hiệu quả sẽ không cao. Dự định của HTX sẽ đầu tư kinh doanh vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, mô hình nuôi trồng thủy sản, thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu lúa gạo chất lượng.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Viết Quýt chỉ ra những tồn tại, khó khăn của HTX sau khi chuyển đổi theo luật mới năm 2012. Hạn chế có thể thấy, là sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với mô hình HTX chưa đúng mức. Khi HTX gặp khó khăn về vốn, nhân lực, nguồn lực... thì vai trò của chính quyền địa phương chưa được phát huy, thậm chí “bó tay”. Mọi trọng trách, áp lực trong quá trình hoạt động đều dồn lên vai cho ban lãnh đạo HTX.

Hiệu quả hoạt động SXKD của HTX chưa cao nên lợi ích của thành viên chưa nhiều. Các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng lẫn chất lượng, cũng như nhu cầu đa dạng trong SXKD. Quy mô hoạt động của các HTX còn nhỏ, lúng túng theo kiểu “vừa làm vừa tìm kiếm thị trường” nên đầu ra sản phẩm bấp bênh, giá cả không ổn định. Nhiều HTX chưa thích ứng với cơ chế thị trường, yêu cầu mô hình HTX kiểu mới, như tốc độ tăng trưởng chậm, hiệu quả kinh tế chưa cao, thiếu vốn, thiếu công nghệ, kỹ thuật, kỹ năng tiếp thị, trình độ cán bộ quản lý thấp.

Để tạo đột phá

Ông Thái Văn Bằng, Giám đốc HTX Xuân Lộc (Phong Điền) cho rằng, để mô hình kinh tế HTX hoạt động có hiệu quả không có con đường nào khác ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý... cho đội ngũ cán bộ HTX. Đồng thời, có cơ chế, chính sách thỏa đáng, như tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội, y tế... cho đội ngũ cán bộ trẻ, thu hút lực lượng cử nhân sau khi tốt nghiệp có thể trở về công tác tại các HTX.

Giám đốc HTX Thuận Hòa kiến nghị, trước yêu cầu chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, các HTX cần có nguồn vốn đủ mạnh, đảm bảo hoạt động SXKD. Với HTX Thuận Hòa cần đến nguồn vốn 3 tỷ đồng trở lên để đầu tư các dịch vụ, khai thác tiềm năng vùng đầm phá để nuôi trồng thủy sản, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản an toàn, chất lượng. Nhà nước đã có chủ trương, chính sách cho các HTX vay vốn ưu đãi để mua sắm thiết bị, máy móc cơ giới là điều đáng mừng. Tuy nhiên, với các lĩnh vực SXKD khác, cần có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX vay vốn khi không có tài sản thế chấp.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nêu một số giải pháp để thúc đẩy, tạo bước đột phá trong phát triển mô hình kinh tế HTX. Trước hết, phải đổi mới phương thức hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới để HTX không chỉ là tổ chức kinh tế hợp tác tự nguyện mà còn là đơn vị kinh tế hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Đổi mới HTX theo hướng chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh với hai mục tiêu: mang lại lợi ích cho thành viên và tích lũy cho kinh tế tập thể.

Trong điều kiện nguồn lực tài chính của nhiều HTX còn hạn chế, các tổ chức tín dụng cần có cơ chế thông thoáng để các HTX có thể tiếp cận nguồn vốn vay đảm bảo hoạt động SXKD. Các cấp chính quyền, ban ngành, các tổ chức kinh tế tập thể cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ HTX.

Mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất một mô hình HTX kiểu mới, gắn với chuỗi giá trị. Tùy thuộc vào đặc thù tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, các HTX cần chọn lĩnh vực đầu tư SXKD phù hợp. Từ các mô hình HTX kiểu mới làm điểm có hiệu quả sẽ quảng bá, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Toàn tỉnh có 222 HTX đang hoạt động, trong đó có 219 HTX hoạt động phù hợp với Luật HTX năm 2012. Trong tổng số cán bộ HTX 1.850 người có đến gần 87% chỉ trình độ sơ cấp, trung cấp; cao đẳng, đại học chỉ 11,89%; còn lại chưa qua đào tạo. Tổng số thành viên tham gia HTX là 130 ngàn người, trong đó số thành viên mới 300 người. Doanh thu bình quân mỗi HTX trên 2,2 tỷ đồng/năm, lãi gần 100 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân mỗi lao động thường xuyên trong HTX là 22 triệu đồng/năm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều