Tổ công nhân của Viwassen 2 đang thi công ở kiệt 85 Nguyễn Huệ-Huế. Ảnh: H.Thu

Nhưng chính những việc làm của họ buộc chúng tôi phải suy nghĩ lại.

Vào dịp tết Đoan ngọ, quan sát một công trình gần nhà, trong khi rất nhiều thợ nề, mặc dù chủ thầu “năn nỉ” thi công cho kịp tiến độ cam kết nhưng họ vẫn kiên quyết nghỉ để “ăn mồng Năm” và ngày chủ nhật cũng thế. Còn ngày thường, sáng 7 giờ, từng người thợ mới kéo nhau đến nhưng vẫn chưa bắt tay vào việc vì còn phải “trà lá”; chiều chừng 4 giờ đã gom việc để ra về, dù một ngày công chủ nhà trả đủ 250.000 đồng, lo thêm nước uống và phát 15.000 đồng cho “bữa lỡ”!

Đó là chưa kể “do hôm qua nhậu say” nên sáng nay một số vắng mặt; hoặc đang làm bỗng xin nghỉ nửa chừng vì “chiều nay nhà có kỵ”. Công trình lẽ ra chỉ cần ba ngày là xong nhưng lề thói làm việc như vậy nên đã kéo dài.

Thực tế đó cho thấy vì sao nhiều chủ thầu dù công trình triển khai ở Thừa Thiên Huế nhưng buộc phải thuê công nhân từ các nơi khác. Nhiều chủ doanh nghiệp ở các khu công nghiệp cũng “kêu trời” về tình cảnh này.

Trở lại với tổ thi công ở kiệt 85 Nguyễn Huệ, chúng tôi thấy buổi sáng họ đều đến trước 7 giờ. Nhờ có đủ vật tư, thiết bị nên công việc cứ “chạy ro ro”. Chiều sau 5 giờ họ mới nghỉ.. Mồng Năm hay chủ nhật họ đều tranh thủ làm vì yêu cầu của tiến độ.

Cảm kích trước tinh thần lao động của họ, tôi hỏi tên đơn vị và thời gian hoàn thành công trình. Sau khi cho biết tên đơn vị như đã nêu, một người trong nhóm tự tin “trong vòng 20 ngày là xong”!

Ngẫm lại, họ đúng.

Nhà tôi với tâm thế sẵn sàng “chịu trận” 2 tháng với tiếng ồn, bụi và sự ngổn ngang, vướng víu của công trình nhưng chỉ mới hơn mươi ngày đường đã được đào, ống đã được lắp và việc đấu nối với các hộ đều đã hoàn thành, và không chừng dăm bảy ngày nữa là lát bê tông như những con đường kiệt khác.

Tôi chỉ phản ánh sự thật và mong qua đây thay cho lời cám ơn của nhiều người dân ở kiệt 85 Nguyễn Huệ đến tổ thi công.

Phạm Hữu Thu