Tuyến đường 71 ngoài yếu tố quốc phòng còn giúp phát triển kinh tế nhiều xã của 2 huyện Phong Điền và A Lưới

Nhiều ý nghĩa

Ông Trần Văn Cân, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân (Phong Điền) cho biết, toàn xã hiện có khoảng 1.000 ha rừng keo tràm, cao su của 250 hộ dân và 1.300 ha rừng giao cho các cộng đồng quản lý. Ngoài thuận lợi hơn trong phát triển rừng kinh tế, cao su, việc mở tuyến đường 71 cũng giúp việc tuần tra, bảo vệ rừng cộng đồng tại 4 nhóm hộ Tân Lập, Bình An, Vinh Ngạn, Vinh Phú dễ dàng và hiệu quả hơn.

Ông Trần Xuân Tam, một hộ dân trồng rừng ở thôn Tân Lập cho hay, trước đây đa số diện tích rừng keo tràm của người dân đều nằm ven tuyến đường 71 cũ. Đường đất đi lại khó khăn, tốn chi phí vận chuyện. Hiện nay đường 71 mới mở bằng bê tông, bề ngang bố trí nhiều điểm ô tô có thể tránh nhau nên không chỉ thuận lợi hơn trong việc chăm sóc cây rừng bằng xe máy mà còn khai thác, vận chuyển rừng trồng về xuôi thuận lợi.

Ông Đặng Vũ Trụ, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (KBTTNPĐ) khẳng định, tuyến đường 71 cũ trước đây dẫn về xã Phong Mỹ chứ không phải Phong Xuân như bây giờ. Trước năm 1975, các hộ dân các thôn Khe Trăng, Hạ Long đã lên khu vực đường 71 sản xuất, trồng trọt và hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ. Thời chiến tranh, bộ đội ta cũng theo tuyến đường này để về giải phóng Huế. Thời bình, các nhóm hộ dân ở các thôn đã chung tay góp sức bảo vệ rừng cộng đồng, phát triển rừng kinh tế.

Cũng theo ông Trụ, ngoài yếu tố quốc phòng, phục vụ các công trình thủy điện, tuyến đường 71 được xây dựng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ không chỉ từ vùng lõi mà còn ra vùng đệm. Nhằm đảm bảo tính đa dạng sinh học cũng như ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng phá rừng, đơn vị đã bố trí 2 trạm kiểm lâm thực hiện chức năng tuần tra kiểm soát từ khu vực tuyến đầu xã Hồng Vân và tuyến cuối xã Phong Xuân.

Đảm bảo công tác quản lý rừng, đa dạng sinh học tại KBTTNPĐ khi xây dựng tuyến đường 71

“Từ trạm kiểm soát Dốc Chè thì đường đi thuận lợi, nhưng để vào sâu trong rừng, thực hiện những chuyến tuần tra bảo vệ rừng thì phải dựa vào tuyến đường 71, anh em đỡ vất vả nhưng thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn”, ông Vĩnh Sang, Trạm trưởng bảo vệ rừng Dốc Chè (Hồng Vân, A Lưới, thuộc KBTTNPĐ) chia sẻ.

Giảm thiểu diện tích rừng bị ảnh hưởng

Ông Đặng Vũ Trụ cho hay, xây dựng tuyến đường 71 là chủ trương của UBND tỉnh nhằm mở hướng phát triển trên hành lang kinh tế đông- tây. Từ đây có thể kết nối đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, qua nhiều thời kỳ do nguồn vốn từ ngân sách khó khăn nên phải kêu gọi nhà đầu tư công trình thủy điện “góp sức” xây dựng.

KBTTNPĐ được UBND tỉnh thành lập năm 2002 với diện tích hơn 41.500 ha bao gồm 43 tiểu khu. Mục tiêu chính bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, quần thể của các loài động thực vật quý hiếm, các loài đang bị đe doạ, các loài đặc hữu của vùng núi thấp miền Trung; duy trì giá trị sinh thái và chức năng phòng hộ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của dân cư sống quanh vùng bảo tồn.

Tỉnh lộ 71 bắt đầu xây dựng năm 2011 và thông tuyến năm 2017, trên chiều dài 52km nối hai huyện A Lưới và Phong Điền. Tuyến đường này do 4 công ty gồm Công ty CP thủy điện A Lin B2, Công ty CP thủy điện Trường Phú, Công ty CP thủy điện Rào Trăng 3 và Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 4 đầu tư thi công với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Ngoài tuyến Quốc lộ 49 thì đây là tuyến đường nội tỉnh thứ 2 kết nối vùng đồng bằng với huyện miền núi A Lưới.

Ông Dương Văn Quý, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 4 cho biết, chỉ riêng tuyến đường 71, đơn vị cùng Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 đã bỏ kinh phí 102 tỷ đồng thi công từ km0 + km30 để phục vụ thi công các công trình thủy điện. Hiện nay, đoạn đường này đã thi công xong phần nền đường bằng bê tông và hệ thống rãnh thoát nước đang hoàn thiện.

Theo ông Đặng Vũ Trụ, trên tinh thần bảo tồn đa dạng sinh học nhưng không cực đoan nên từ khi có quy hoạch xây tuyến đường 71, đơn vị đã tiến hành tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ và khôi phục, bảo tồn nguyên vẹn các hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học trong khu bảo tồn. Theo đó, các phương án thi công của nhà đầu tư thực hiện đều giảm tác động đến đa dạng sinh học trong khu bảo tồn như xây dựng tuyến đường 71 mới “bám” theo nền đường 71 cũ vừa giảm kinh phí, vừa  giảm thiểu diện tích rừng bị ảnh hưởng.

“Trong quá trình thi công, các chủ đầu tư cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định bảo vệ rừng. Đơn vị cũng thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát và giám sát quá trình thi công; tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng; xây dựng quy chế phối hợp, cam kết giữa chủ đầu tư và đơn vị chủ rừng nhằm quản lý có hiệu quả hơn”, ông Trụ khẳng định.

Hà Nguyên