Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, cùng với việc viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc'', với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Đời sống mới''. Với dạng câu hỏi - trả lời, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, Người đã giúp nhân dân ta hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng đời sống mới, chỉ rõ bước đường đời sống mới. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 70 năm trước đã tạo nên động lực to lớn thúc đẩy kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Ngày nay, lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh''.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Xây dựng chính sách hợp lòng dân

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Làm sáng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm ''Đời sống mới'' chính là góp phần đổi mới việc thực hiện cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh'', đồng thời đổi mới nội dung công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay. ''Đời sống mới" cũng là yêu cầu hết sức quan trọng đối với nông thôn mới, gắn với gia đình văn hóa, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhằm nâng cao đời sống của người dân, bởi mục tiêu cuối cùng của Đảng, Nhà nước là nâng cao đời sống về tinh thần, vật chất cho nhân dân.

Khẳng định vai trò của tác phẩm "Đời sống mới'', các đại biểu nhận định: Tác phẩm đã đặt nền móng cho xây dựng con người mới, văn hóa mới, xã hội mới. Qua tác phẩm thể hiện lòng yêu nước, thương dân, bài học quý giá trong tập hợp, vận động quần chúng nhân dân, khơi nguồn cho mọi phong trào thi đua yêu nước, nền tảng cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam thế kỷ 20.

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ rõ: ''Đời sống mới'' thể hiện tư duy đổi mới và hành động của Hồ Chí Minh. ''Đời sống mới'' và thực hành đời sống mới chẳng những nêu cao đạo đức mà còn làm sáng tỏ bảo đảm đạo đức cho kinh tế, chính trị, cho trong sạch, liêm khiết bộ máy, của con người trong bộ máy, thấm sâu trong các mối quan hệ với dân, với người, với việc, với toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị.

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng và thực hiện chính sách hợp lòng dân. Chính sách hợp lòng dân là những chính sách làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân, phải làm cho minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình cũng như công khai kết quả xử lý cho dân biết, từ đó tôn trọng tiếng nói và phán quyết từ phía người dân. Chính sách hợp lòng dân phải xuất phát từ dân và cuộc sống của dân để không quan liêu, hình thức, phải hướng tới dân trực tiếp để dân được hưởng lợi ích, dân đánh giá, dân kiểm soát, giám sát. Được như vậy, thực hành ''đời sống mới'' sẽ góp phần làm cho dân tin Đảng, dân theo Đảng, dân ủng hộ, giúp đỡ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân

Tiến sĩ Lê Đức Hoàng, chuyên trách Chỉ thị 05 Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: Việc nghiên cứu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về ''Đời sống mới'' vào thực tiễn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn hiện nay, trước tiên cần xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới đều hướng đến đời sống mới với trọng điểm là ở nông thôn, ''sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc” cho nông dân, đem lại đời sống “đầy đủ hơn về vật chất, vui mạnh hơn về tinh thần'' như Bác Hồ đã chỉ ra.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Bởi vậy, trong Chiến lược phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước và ngành chức năng phải luôn quan tâm, chăm lo đời sống cho nông dân, phát triển nông nghiệp hiện đại, tạo dựng bộ mặt nông thôn ''sáng đẹp'' hơn, giảm dần sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, coi đây là một trong những cách thức thực hiện công bằng xã hội.

Cần thiết phải làm cho mỗi người dân ở các thôn xóm, ngõ phố ở cả nông thôn và đô thị hiểu được nội dung, giá trị cốt lõi, tác dụng, ý nghĩa của “Đời sống mới” mà Hồ Chí Minh đã dạy; phát huy tác dụng của “Đời sống mới” trong cuộc sống thành thị và nông thôn, làm cho nó trở thành tinh thần chủ đạo trong đời sống văn hóa - xã hội và là một bộ phận không tách rời việc rèn luyện nhân cách con người Việt Nam hiện đại.”, Tiến sĩ Lê Đức Hoàng đề nghị.

Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông Phạm Văn Chinh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hải hậu, Nam Định, cho rằng cần phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, xây dựng nông thôn mới là để có động lực mạnh mẽ, nhân dân được bàn bạc, quyết định, có cách làm hay sẽ rút ngắn thời gian đạt đích nông thôn mới. Bên cạnh đó, cần tạo ra sự đồng thuận, thi đua sôi nổi trong nhân dân. Phát huy vai trò làm chủ phải có sự giám sát, quản lý, định hướng, đảm bảo ổn định tình hình nông thôn.

Để tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Đời sống mới”, ông Phạm Văn Chinh đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tăng cường kiểm tra giám sát để cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh'' tạo ra nhận thức sâu sắc, nhân dân phát huy tinh thần làm chủ, đồng thuận tham gia xây dựng đời sống mới, xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng.

Nêu cao trách nhiệm các cấp ủy Đảng, chính quyền

Bằng những tri thức khoa học, kinh nghiệm thực tiễn, các đại biểu, nhà khoa học đã đưa ra những sáng kiến, đề xuất thiết thực cho việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện Cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh'' trong giai đoạn mới; đề xuất các giải pháp hiệu quả, thiết thực với những sáng kiến mới, phương thức mới trong thực hiện thắng lợi mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát động, góp phần hiện thực hóa tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta đồng tâm mà làm, quyết tâm mà làm thì đời sống mới nhất định thực hiện được. Mong toàn thể đồng bào gắng sức theo đời sống mới, xây dựng một nước Việt Nam phú cường".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học cho rằng để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trước hết các cán bộ cơ sở phải thực sự gương mẫu thực hành đời sống mới Cần, Kiệm, Liêm, Chính, như lời Chủ tịch Hồ chí Minh căn dặn ''miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước''.

Phó Giáo sư phân tích: Thực tiễn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cho thấy vai trò của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong hệ thống chính trị và từng người dân đồng sức đồng lòng, thấy rõ việc làm là thiết thực, hữu ích, bằng sự năng động, sáng tạo, quyết tâm cao mới thực hiện được chương trình, mục tiêu đặt ra.

Nhận thức sâu sắc về những nội dung cụ thể trong tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cần nâng cao trách nhiệm lãnh đạo và phối hợp chặt chẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trước hết nêu gương xây dựng đời sống mới trong mỗi gia đình, ngoài xã hội. Hơn lúc nào hết, phải đề cao các giá trị "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", vì đó là hạt nhân cốt lõi, nền tảng vững chắc trong cuộc sống, là yếu tố quyết định thành công của việc xây dựng đời sống mới.

Theo TTXVN