Cách đây hơn 20 năm, một lần về xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), một người dân ở đây hớn hở khoe vừa tìm thấy một giống nuôi mới. Rồi ông dắt ra cái ảng lớn chứa đầy ốc. Chủ nhà phấn khởi bảo, đây là giống ốc mới, rất tạp ăn, và sinh sôi nảy nở cực nhanh. Khi ấy, ốc bươu vàng được ngộ nhận là một mô hình kinh tế mới, có thể đem lại hiệu quả. Ai ngờ, những con ốc nhu mì tưởng như vô hại ấy, giờ đây đã thành địch họa của  nông dân, khi chúng lan ra môi trường và nhanh chóng sinh sôi nảy nở cùng bản tính tạp ăn của chúng. Số liệu thống kê từ  Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy, vụ đông xuân 2017, cả tỉnh có gần 900 ha lúa bị ốc bươu vàng cắn phá. So với năm 2016, số diện tích lúa thiệt hại do ốc tăng trên 153 ha.

Mới đây, một đánh giá  của các nhà khoa học về môi trường hệ sinh thái ngập nước ở Thừa Thiên Huế cũng đã đánh động, khi có dấu hiệu thay đổi về loài. Có những loài chim mất đi, trong khi những sinh vật ngoại lai như ốc bươu vàng, bèo tây, cây mai dương lại xuất hiện và phát triển.

Không cần đi đâu xa, dọc Quốc lộ 1, cũng dễ dàng nhận thấy sự xâm lấn của bèo, mai dương và cả trứng ốc bươu vàng. Cái màu hồng ửng lên ghê sợ của trứng ốc  bu bám đầy trên những cánh bèo, những đám cỏ lấp xấp mặt nước.

Bác nông dân bảo, muốn trừ ốc, bây giờ không thể bắt bằng tay, mà phải phun thuốc. Song thuốc cũng khó trị bởi lớp vỏ bao bọc của ốc. Và chúng còn có thể ngậm miệng, ngủ vùi trong lòng đất qua cái nắng khô héo ngày hè. Và chỉ cần một vài trận mưa, chúng lại ngoi lên, sinh sôi nảy nở.

Không  còn là nỗi sợ nữa. Cùng với bèo tây và mai dương, ốc bươu vàng đang tàn sát cây lúa, tàn sát môi trường, nếu chúng ta không có một chiến dịch tiêu trừ thực sự.

Nhật Nguyên