Quang gánh tảo tần

Sáng nào cũng vậy, cứ tầm 5 giờ, gánh bánh canh chị De ở cuối xóm lại kẽo kẹt. Cái âm thanh quang gánh quen thuộc, những bước chân gấp gấp của người phụ nữ thâm thấp cũng quá quen thuộc và đều đặn như đồng hồ báo thức. Đầu hẻm, trong không gian còn tranh tối tranh sáng (nếu là mùa đông thì trời vẫn còn tối thui), “rộn ràng” nhiều đôi quang gánh khác cũng vừa đặt xuống. Người gánh bún mắm nêm, người gánh cơm hến hay xôi và cháo gạo đỏ… Phần lớn, các bà, các chị đều ở quanh khu vực Lịch Đợi và cầu Lòn (thuộc phường Đúc). Cũng có chị nhà ở tít bên kia cầu An Cựu, nhưng vẫn miệt mài gánh bún bò giò heo, dù đội mưa gió cũng không hôm nào trễ giờ. Người nào người nấy vội vã quạt lò than cho hồng rực lên, dọn hàng. “Gian hàng” của các bà, các chị là khoảng đất kéo dài sát bờ tường (ai ngồi chỗ nào thì cứ ngồi chỗ ấy suốt hàng chục năm nay) của những hộ dân đầu hẻm, nơi có ngã ba nho nhỏ dẫn lên xóm Lịch Đợi, ra xóm cầu Lòn và qua ghi tàu phía Bắc để ra đường lớn Bùi Thị Xuân.

Những quang gánh tảo tần mưu sinh

Mệ Lài 80 tuổi, đầu tóc bạc phơ, nhưng vẫn còn bám trụ vỉa hè cùng gánh bún bò giò heo. “Tui có chín đứa con. Khi tui trẻ, gánh bún trĩu vai, góp tay vô với chồng nuôi con khôn lớn. Tám đứa đã có vợ có chồng. Nhưng 2 cặp vợ chồng cùng mấy đứa con chưa ra riêng được, thêm thằng út chưa có vợ, chi nấy nhà tui tổng cộng 12 người. Rứa nên chừ tuổi cao, gánh bún nhẹ hơn nhiều, nhưng vẫn gắng ra đây, kiếm được gạo thì kiếm, không thì cũng kiếm được màu mè, phụ con cháu. Hôm mô đau nằm viện, hay nằm nhà (mà phải đau hung lắm), tui mới vắng”. Dù ở cái tuổi “gần đất xa trời”, nhưng dù mùa hè hay mùa đông, mệ Lài phải thức dậy từ ba giờ rưỡi sáng, nhóm lò nấu nướng, 5 giờ ra ngã ba xóm dọn hàng, kịp có những tô bún nóng hôi hổi cho khách quen vội vã đi làm, đi học.

Bà Hạnh hơn 50 tuổi, bán bún mắm nêm, chị Uyên hơn 40 tuổi bán cháo gạo đỏ, xôi… thì phải dậy lúc 3 giờ sáng, để làm rau, xắt thịt, hông xôi, nấu cháo. “Hôm nào mệt quá lỡ dậy trễ một chút, nôn nóng đốt lửa to hơn là y như rằng nồi cháo bị khê”- Chị Uyên tâm sự.

Thường thường, khách ăn đông nhất là vào khoảng 6 đến 9 giờ sáng, rồi sau đó lai rai đến 11, thậm chí 12 giờ trưa, có chị mới bán hết hàng, dọn dẹp chỗ ngồi của mình thật sạch sẽ rồi lại tất tả đặt gánh lên vai, về lo nguyên liệu cho gánh hàng hôm sau. Cũng có người bán cả ngày như chị Phương cơm hến hay chị Uyên sáng bán cháo, xôi, chiều lại xoay qua bánh tiêu, bánh rán. Lại ngồi nép vào bờ tường! “Sáng kiếm 100.000 đồng, chiều phải gắng “bòn” thêm dăm chục mới đủ nuôi con. Về, lại đầu tắt mặt tối việc nhà, việc cửa…”- Chị Uyên cười, nói. 

Mơ ước một đời

“Vòng quay” của một ngày như vậy quả đúng là đầu tắt mặt tối. Nhưng, thật lạ, các chị lại nói về điều đó cùng với nụ cười! “Biết răng chừ, cũng thích “đi đông đi tây” lắm, nhưng mình học hành ít ỏi, lại không có tiền làm vốn nên đành bám lấy “vỉa hè xóm” mưu sinh. Khách là người của mấy xóm quanh quanh, phần lớn dân lao động, học sinh và cán bộ hưu trí nên giá cả phải mềm. May nhờ bà con thông cảm, cho ngồi nép bên bờ tường, không phải trả tiền thuê mặt bằng nên bù qua bù lại, cũng kiếm được tiền nuôi con”- Chị De kể.  

Ngõ xóm hẹp nên những gánh cháo bánh canh, bánh bèo nậm lọc, bún bò giò heo… càng phải nép thật sát. Không có bàn, chỉ có ghế nhựa loại nhỏ. Khách ngồi ăn đôi khi cũng phải ép người để tránh xe máy, ô tô qua lại. “Trời tạnh ráo thì đỡ, nhưng nếu mùa mưa gió khổ lắm. Gánh hàng nặng mới rời vai, tụi tui phải giúp nhau che bạt. Đôi khi gió lớn hất bạt, cả người và đồ ăn đều “tắm” nước mưa. Những lúc như rứa thiệt là dở cười dở mếu”-chị Ngân “bún giò” tâm sự.

Giá cả khá mềm, nên thức ăn sáng nơi ngã ba xóm tôi “hút” lượng khách đáng kể. Bánh canh giá 5 nghìn đồng. Bún bò giá từ 7 đến 15 nghìn đồng. Cháo gạo đỏ, xôi từ 2 đến 5 nghìn đồng… Nhiều chị cười nói: Tụi tui chủ yếu lấy công làm lãi, chắt chiu từng đồng tiền lẻ… cùng chồng nuôi con. Chỉ mong nhà cửa êm ấm, con cái học hành đàng hoàng. Từ quang gánh tảo tần, nhiều đứa con của các chị đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có việc làm ổn định. “Đứa đầu của tui tốt nghiệp đi làm rồi, cô con gái thứ hai đang học đại học kinh tế, còn cậu con út đang học lớp 12”- Chị Phương “cơm hến” tự hào.

Bài và ảnh: Quỳnh Anh