Thế hệ cầu thủ từng đưa Huế lên V-League mùa bóng 2007 chỉ còn lại Võ Văn Minh (hàng trước, ở giữa) và Tuấn Tú

Những người hùng nhí trên sân Thiên Trường

Võ Văn Minh thuộc lứa cầu thủ trưởng thành sau Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2004 tại Huế. Đội bóng đá lứa tuổi trung học phổ thông Thừa Thiên Huế năm đó với những cái tên: Trọng Trung, Độ Thắng, Văn Thuận, Viết Hải, Tuấn Tú, Ngọc Luận, Cửu Phú… đã có một giải đấu khá ấn tượng, giành huy chương bạc sau khi thua Đà Nẵng 1-3 trong trận chung kết.

Võ Văn Minh không trong đội hình thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2004 do quá tuổi; nhưng sau đó anh đã được HLV Dương Công Quốc giới thiệu lên đội tuyển Thừa Thiên Huế cùng với những cầu trẻ khác khi họ vừa mới tròn tuổi 20.

Mùa bóng 2006, đội bóng đá hạng Nhất Cố đô đã trình làng những gương mặt non tơ được gọi nôm na là “lứa cầu thủ Phù Đổng”. Trước mùa bóng này, đã có rất nhiều lo lắng cho đội quân của HLV Đoàn Phùng khi mà các cầu thủ còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm ở sân chơi hạng Nhất. Nhưng với sức trẻ và khát vọng khẳng định mình, đội bóng Huda Huế lúc đó đã giành một suất đá play-off với Hải Phòng trên sân Thiên Trường để tranh một vé lên chơi V-League.

Cùng với những cầu thủ ngoại như Marcelo, Munze, các cầu thủ có kinh nghiệm như Thanh Tuấn, Cảnh Lâm… thì đội hình thi đấu trận play-off năm đó của Huda Huế còn có thêm những cái tên Trọng Trung, Độ Thắng, Văn Minh, Cửu Phú, Tuấn Tú, Viết Hải… Trong cơn mưa nặng hạt sân Thiên Trường chiều hôm đó, các cầu thủ trẻ của Huế đã chơi rất tự tin, tranh chấp sòng phẳng với những cầu thủ dày dạn trận mạc đất Cảng như Trường Giang, Khánh Hùng, Ngọc Thanh… Những khán giả Huế có mặt trên sân Thiên Trường hay theo dõi trực tiếp qua truyền hình vẫn còn nhớ pha tạt bóng chính xác của tiền vệ cánh trái Lê Độ Thắng để cho Marcelo đánh đầu mở tỷ số trận đấu, những pha che bóng khôn ngoan của hậu vệ cánh phải Nguyễn Cửu Phú hay cả cú sút penalty tự tin kiểu Panenka của cầu thủ khi đó mới 19 tuổi Nguyễn Ngọc Tuấn Tú (tuy cú sút đó thất bại)…

Huda Huế đã vượt qua đội bóng dày dạn trận mạc ở V-League là Hải Phòng để giành một suất lên chơi ở giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam trong niềm vui vô bờ của người hâm mộ Cố đô. Và tất nhiên, lứa cầu thủ Phù Đổng năm nào đã trở thành những người hùng nhí trên sân Thiên Trường trong sự ngạc nhiên của giới chuyên môn và người hâm mộ…

Những người hùng ấy… bây giờ

Huda Huế đã trở lại V-League mùa bóng năm 2007. Tuy nhiên, V-League vốn quá khắc nghiệt, không có chỗ cho những chuyện lãng mạn nên ngày vui bóng đá Huế cũng qua mau. Huda Huế đã xuống hạng ngay mùa bóng đó và tiếp theo đó là sự ra đi của Võ Văn Minh, Lê Độ Thắng, Nguyễn Ngọc Tuấn Tú, Hồ Ngọc Luận, Nguyễn Cửu Phú… để tìm bến đỗ mới với mong muốn có nguồn thu nhập cao hơn, có môi trường thi đấu tốt hơn.

Nhưng sân chơi V-League và kể cả hạng Nhất vẫn luôn khắc nghiệt đối với những cầu thủ trẻ. Chỉ thi đấu 1, 2 mùa bóng, Độ Thắng, Cửu Phú, Viết Hải đã giã từ sân cỏ vì nhiều lý do khác nhau. Tiếp đó là Ngọc Luận, Trọng Trung, Văn Thuận, Văn Cường cũng giã từ sân cỏ. Cho đến mùa bóng này, thì thế hệ cầu thủ 8X chỉ còn lại Võ Văn Minh đang thi đấu cho Thừa Thiên Huế khi đã 33 tuổi và Nguyễn Ngọc Tuấn Tú (29 tuổi) đang thi đấu cho đội hạng Nhất Dak Lak…

Những người hùng nhí cách đây hơn 10 năm bây giờ đang làm những công việc không còn dính dáng đến bóng đá nữa: Lê Độ Thắng kinh doanh tại nhà, Nguyễn Cửu Phú làm tài xế xe ben, Hồ Ngọc Luận kinh doanh khách sạn, Hồ Viết Hải và Nguyễn Văn Thuận đang làm nhân viên cho một công ty xăng dầu, Nguyễn Văn Cường mở quán bán bún bò Huế và Hoàng Trọng Trung thì sau tai nạn đang ở nhà dưỡng thương…

Một thế hệ cầu thủ tài năng đã dở dang sự nghiệp thi đấu khi đang ở độ chín. Đáng buồn hơn là bây giờ họ phải xa hẳn nghiệp sân cỏ mà họ đã từng yêu, từng cống hiến. Nhìn lại lứa cầu thủ này lại nhớ câu nói của chính HLV Đoàn Phùng: “Một vấn đề đã cản trở bóng đá trẻ Huế phát triển đó là cơ chế học cho cầu thủ. Cầu thủ trẻ của Huế phải học chương trình của một học sinh bình thường, điều này dẫn đến việc các em phải lỡ dở giữa một bên là chữ, một bên là nghề. Học văn hoá không hết mà học đá bóng cũng chẳng xong”.

Bài, ảnh: PHI TÂN