Bước chân vào giảng đường đại học cũng là lúc lòng tôi dự định những chuyến đi xa đầu tiên trong đời. Như một sự xui khiến tự nhiên, 18 tuổi, tôi "nhảy" tàu vào Huế để tận mắt chứng kiến và cảm nhận dáng vẻ thơ mộng của mảnh đất này. Sông Hương bình lặng, chầm chậm trong ráng chiều. Gương mặt khắc khổ của người đàn ông quăng chài bắt cá chòng chành hiện ra, và trong tâm tưởng của chính tôi khi ấy, một người con gái cầm nón lá đứng bên sông hiện ra mảnh khảnh u buồn, đưa tôi về những lời ca được nghe khi mới 12 tuổi.

Mỗi lần khoác balo đi xa, tôi lại thêm một lần cắt tóc. Tôi có một cái lọ để đựng toàn bộ lọn tóc đã cắt, coi như kỷ niệm về mỗi cuộc đi. Dù xa hay gần, khi trở về gác trọ ở phố Đán - Thái Nguyên, đặt balo xuống tôi luôn cảm thấy trống rỗng vô cùng. Và buổi sáng đầu tiên thức giấc sau mỗi cuộc đi ấy, hình ảnh về con đường và những gương mặt đã gặp hiện ra như những cặn rượu vang quánh đặc nhưng óng ánh khiến tôi nấc lên vì nhớ. Tôi lại muốn lênh đênh.

Có những chiều trở về, mở cửa ra nhà tối om, tôi cũng không có ý định bật điện. Chút nắng hạ cuối ngày lọt qua khe cửa, chiếu vào thấy rõ những hạt bụi rơi lửng lơ. Với tay mở album của Vân Khánh như một thói quen mỗi khi ở nhà một mình, cảm giác được vùi đắm trong tự do bắt đầu xâm chiếm. Dẫu không phải là một người chuyên hát nhạc Trịnh nhưng Chiều một mình qua phố qua tiếng hát của chị khiến lòng người thấy nhẹ nhàng, an nhiên. Những câu hát mỏng tang được cất lên từ chất giọng ai hoài, sâu lắng ấy khiến tôi chìm đi trong nhung nhớ và chờ mong.

Chingiz T. Aimatov - nhà văn, người thầy của ngôi làng Kukureu nhỏ bé đã từng nói rằng, mùa hạ có vẻ trong xanh, và cũng có vẻ buồn. Người buồn thì hay một mình lênh đênh. Câu nói ấy sau này đã đi vào dân ca của miền đồng cỏ xa ngái bên kia đại dương, để hát và để xua đi những cuộc chia biệt triền miên của người thầy khắc khổ và những đứa học trò đã từng lớn lên trên lưng ngựa. Còn điều gì đẹp đẽ và buồn hơn thế khi ai trong tất cả chúng ta cũng có ít nhất một cuộc độc hành thời thanh xuân, hoặc chí ít khi tài sản trong tay chả có gì, ngoài tuổi trẻ và sự tự do.

Tựa như đến khi già chúng ta quay lại những nơi đã từng đặt chân đến, ta vẫn thấy tuổi trẻ ở đó, một vài rung cảm thanh xuân ở đó, với những ngôi chùa, cánh đồng, dòng sông, quả núi... Trong những cơn mơ chập chờn, nhiều nhất, tôi mơ về núi. Tôi sinh ra ở biển nhưng toàn bộ tuổi xuân của tôi trôi đi ở núi. Đứng ở núi, tôi cảm nhận rõ ràng một sự phóng thoát, thẳm sâu và kiêu hãnh, muốn chạm tới mà không sao chạm được. Đứng ở núi, một sự cô độc nguyên vẹn là mình hiện ra với tất cả những xấu xa và lương thiện mà không cần che giấu.

Núi vẫy gọi những cuộc đi tới gần sát biên giới của sự tự do và tự chủ, để nuôi nấng một vài nỗi thở dài của tuổi trẻ.

Và trong giấc ngủ thăm ở địa vực bao la ấy, tôi đã mơ rất sâu và chưa bao giờ thức dậy...

Nguyên Hương