Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay Frankfut, Đức, trước khi tham dự Hội nghị G20. Ảnh: Thanhnien

Biến đổi khí hậu

Trong khi nhiều nước ủng hộ và tích cực hành động để chống lại sự biến đổi khí hậu, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột rút nước này ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris và thay đổi quan điểm về tác động của việc Trái đất nóng lên đã đặt Washington vào tình thế căng thẳng với các quốc gia còn lại của G20, trong đó có nước chủ nhà của hội nghị lần này. Theo AFP, đây là một trong những chủ đề quan trọng trong hội nghị, tuy nhiên không có nhiều tín hiệu lạc quan có thể đạt được những tiến triển lớn.

Về vấn đề này, ngày 5/7, Nhóm Quản trị toàn cầu (3G) gồm 28 nước phát triển và đang phát triển không phải là thành viên G20, trong đó có Việt Nam, lên tiếng thúc đẩy các thành viên G20 giải quyết những thách thức và khẳng định lại cam kết của các nước trong nhóm đối với Hiệp định khí hậu Paris.

Thương mại toàn cầu

Giữa lúc nền kinh tế thế giới đang chịu tác động từ diễn biến trên chính trường Anh sau những biến động khiến tiến trình đàm phán Brexit trở nên khó đoán định, tình hình thương mại toàn cầu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ những chính sách khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cân nhắc lại nhiều thỏa thuận tự do thương mại với các nước và thực thi các biện pháp bảo hộ thương mại trong nước... Đây được cho là cách tiếp cận gần như trái ngược với chủ đề "Định hình một thế giới kết nối" mà Đức - nước hiện giữ chức Chủ tịch G20 chọn xuyên suốt chương trình nghị sự của hội nghị năm nay.

Song song với việc nhóm 3G kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế, cũng như giảm rào cản thương mại và bảo hộ, nhà kinh tế Adam Slater của Oxford Analytics ngày 5/7 cũng cảnh báo về nguy cơ "Hội nghị thượng đỉnh lần này có thể dẫn đến sự phân cực giữa Mỹ và các nước khác".

Ngoài ra, một số vấn đề khác như chống khủng bố, người nhập cư, an ninh lương thực, cách mạng công nghiệp 4.0... cũng sẽ được bàn thảo tại Hội nghị G20 lần này.

"Ngày 5/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Cộng hòa liên bang Đức, bắt đầu chuyến thăm nước này và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, theo lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Với tư cách là Chủ tịch APEC 2017, Việt Nam được đánh giá sẽ có những đóng góp quan trọng với Hội nghị G20, nhất là trong các vấn đề tự do thương mại, toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu"

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Straitstimes, AFP & AP)