Thành qủa từ tàu võ thép của ngư dân Nguyễn Hôi sau chuyến ra khơi

Thiếu tự tin

Gia đình ngư dân Đỗ Khể ở xã Vinh Thanh (Phú Vang) có truyền thống nghề biển từ bao đời nay. Từ nhỏ ông Khể đã theo cha đi một vài chuyến biển và từ đó “bén duyên” với nghề. Từ chiếc thuyền nan đánh bắt gần bờ, cách đây chừng chục năm, ông đóng chiếc tàu gỗ công suất 400 CV để vươn khơi đánh bắt hiệu quả hơn.

Từ khi có Nghị định 67 của Chính phủ, ông Khể có ý định vay vốn đóng tàu công suất lớn hơn. Nhiều lần ông băn khoăn: Nên đóng tàu vỏ thép, hay vỏ gỗ? Đó cũng chính là lý do mà sau hơn 3 năm kể từ khi có Nghị định 67, ông mới quyết định vay vốn đóng tàu công suất lớn. Sau khi chiếc tàu vỏ thép đầu tiên trên địa bàn tỉnh của ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận hạ thủy, cho thấy nhiều tính năng vượt trội, hiệu quả khai thác cao, ông quyết định đăng ký đóng tàu vỏ thép. 

Trong khi mọi thủ tục đã hoàn tất, được tỉnh phê duyệt, chỉ chờ ngày khởi công thì ông Khể đột ngột đệ đơn xin thôi đóng tàu vỏ thép, chuyển sang tàu vỏ gỗ. “Tui thật sự tiếc khi mọi nỗ lực đóng tàu vỏ thép đã không thành. Nhưng biết làm sao được khi mà nhiều tàu vỏ thép ở Bình Định vừa hạ thủy vài tháng đã xuống cấp, rỉ rét, hư hỏng thiết bị. Trong khi giá trị của chiếc tàu rất lớn đến gần 20 tỷ đồng, nếu khai thác không hiệu quả thì lấy đâu ra tiền mà trả nợ”, ông Khể giãi bày.

Một lý do nữa khiến ông Khể thiếu tự tin khi lựa chọn đóng tàu vỏ thép là kinh phí quá lớn. Ông cho rằng, đóng chiếc tàu vỏ thép đòi hỏi nguồn vốn đến gần 20 tỷ đồng, trong đó vốn vay đến 95% nên khó hoàn trả nợ gốc lẫn lãi. Trong khi, tàu vỏ gỗ công suất trên 800 CV giá trị chỉ hơn một nửa tàu vỏ thép. Lo ngại trước chuyện tàu vỏ thép ở Bình Định xuống cấp, cộng với sự thiếu tự tin quá trình trả nợ khiến ông Khể quyết định chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ và đã được khởi công.

Tương tự, ngư dân Đỗ Thức ở xã Vinh Thanh ban đầu đăng ký đóng tàu vỏ thép cùng thời điểm với ông Khể. Trong khi đang chờ quyết định phê duyệt thì nghe thông tin tàu ở Bình Định bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, ông Thức xin rút hồ sơ, chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ. “Thấy các tàu ở Thừa Thiên Huế khai thác hiệu quả, tui mới đăng ký đóng tàu vỏ thép. Nhưng khi nghe tin tàu ở các tỉnh gặp sự cố thì tui không yên tâm, chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ cho chắc ăn”, ông Thức nói.

Thu mua cá tại bến

Để ngư dân yên tâm

Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh Nguyễn Trường Chính thông tin, trên địa bàn xã có 4 hộ ngư dân đăng ký đóng tàu vỏ thép, trong đó trường hợp ngư dân Đỗ Khể đã được phê duyệt. Cả ông Khể và các hộ sắp được phê duyệt đã xin rút hồ sơ đóng tàu vỏ thép. Trong khi ông Khể và ông Thức chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ công suất lớn, thì đến nay hai hộ ngư dân còn lại chưa có quyết định đóng tàu nữa hay không.

Các hộ rút hồ sơ đều bày tỏ sự lo ngại, không yên tâm trước thông tin tàu vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng, lỗi thiết bị, rỉ rét. Đây thật sự là điều đáng tiếc, ảnh hưởng đến chủ trương phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ (ĐBXB) bằng vật liệu bền vững. Chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, mô hình tàu vỏ thép hiện đại với nhiều tính năng vượt trội chính là điểm mạnh trong ĐBXB. Thực tế cho thấy, tàu vỏ thép của ông Nguyễn Hôi ở thị trấn Thuận An mới hạ thủy 5 tháng đã có 6 chuyến đánh bắt dài ngày, thu lãi 1,2 tỷ đồng. Tàu của ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận hạ thủy từ cuối năm trước, đến nay có 8 chuyến biển, lãi gần 1 tỷ đồng. Theo ông Chiến, với thu nhập như hiện nay thì khả năng trả nợ là điều không đáng lo ngại. Các trang thiết bị, thân tàu, vỏ tàu đến nay vẫn đảm bảo an toàn, chưa có dấu hiệu xảy ra sự cố nào.

Các tàu được thiết kế và chế tạo đảm bảo yêu cầu tàu biển cấp 1-Tiêu chuẩn Việt Nam, hoạt động an toàn trong vùng biển cách xa bờ, hoặc nơi trú ẩn đến 200 hải lý. Công suất tàu trên 800 CV, tốc độ di chuyển cao nên tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình khai thác và vận hành.

Theo tính toán của ông Nguyễn Hôi, so với tàu vỏ gỗ trước đây, mức độ tiết kiệm nhiên liệu tàu vỏ thép 30-40 triệu đồng/chuyến. Các khoang cá, khoang chứa nhiên liệu, nước ngọt lớn nên có khả năng đánh bắt dài ngày, có thể đến cả tháng/chuyến. Hầm bảo quản hải sản hiện đại, hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt và đảm bảo chất lượng... Kết cấu của tàu vững chắc, có khả năng chịu va đập, sóng gió tốt hơn tàu vỏ gỗ, hạn chế tối đa thiệt hại khi va chạm trên biển.

Ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, điều cần làm lúc này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền để người dân tin tưởng, yên tâm đóng tàu vỏ thép. Đơn vị đóng tàu phải đảm bảo uy tín, có hợp đồng, cam kết rõ ràng và thực hiện cam kết một cách nghiêm túc. Các loại thép, thiết bị, máy móc... phải đảm bảo quy định, thỏa mãn yêu cầu tàu cá cấp 1-Tiêu chuẩn Việt Nam. Phấn đấu hằng năm trên địa bàn tỉnh đóng 1-2 chiếc tàu vỏ thép nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Công ty CP Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á (Hà Nội) là đơn vị đóng hai chiếc tàu vỏ thép đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Công ty thành lập tổng thầu theo mô hình “chìa khóa trao tay”, đảm bảo đáp ứng tối đa yêu cầu của các bên. Ngư dân tự bỏ vốn 5%, còn lại vay ngân hàng với lãi suất 7%, trong đó ngư dân chỉ trả lãi 1%, Nhà nước bù 6%. Quá trình đóng, sử dụng tàu có sự giám sát của ngư dân, ngân hàng, cơ quan đăng kiểm...

Bài, ảnh: Hoàng Triều