Ngày 4/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc làm rõ chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định 67 mới bàn giao đã liên tục gặp sự cố hư hỏng, không thể hoạt động thủy sản, phải nằm bờ tại Bình Định cũng như một số địa phương ven biển miền Trung mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua. Đây không còn vụ việc mang tính cá biệt hoặc kinh tế đơn thuần mà ảnh hưởng đến chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, niềm tin của ngư dân.

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời giúp ngư dân hiện thực hóa giấc mơ đóng tàu lớn, hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó, chủ trương khuyến khích đóng tàu vỏ sắt, vật liệu mới được xem là giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả đánh bắt, bảo quản thủy sản, nhất là trong bối cảnh nguồn gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm và Chính phủ thực hiện đóng cửa rừng.

Để ngư dân mạnh dạn chuyển từ đóng tàu bằng gỗ truyền thống sang đóng tàu bằng sắt hay vật liệu mới là điều không đơn giản. Không chỉ có chính sách ưu đãi về vay vốn, hỗ trợ thiết kế mà các cấp, các ngành phải cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động, tổ chức tham quan học hỏi... một số ngư dân mới mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ sắt. Đã có nhiều chủ tàu sắt làm ăn hiệu quả, bước đầu tạo niềm tin cho các ngư dân.

Thế nhưng, do sự làm ăn gian dối để trục lợi của một số doanh nghiệp đóng tàu, hàng chục tàu vỏ thép của ngư dân miền Trung vừa đưa vào hoạt động đã gặp sự cố về máy thủy, máy phát điện, cần trục, hệ thống cấp đông không đảm bảo, vỏ tàu bị gỉ sét… Có những chủ tàu ngay chuyến đầu tiên đi biển đã lỗ nặng do hỏng máy  không đánh đánh bắt được mà còn tốn chi phí thuê tàu lai dắt vào bờ.

Với số vốn đầu tư 15-20 tỷ đồng/tàu, trong đó 95% phải vay ngân hàng, giờ tàu phải nằm bờ để khắc phục không chỉ ngư dân thiệt hại nặng nề vì không có thu nhập vẫn phải trả lãi vay, mà ngân hàng cũng “đứng ngồi” không yên trước nguy cơ nợ xấu. Khi bị xếp vào diện nợ xấu, đồng nghĩa với việc ngư dân không còn được hưởng các ưu đãi theo Nghị định 67. Đúng là “thiệt đơn thiệt kép”.

Ngay ở Thừa Thiên Huế, 2 chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên được đóng theo Nghị định 67 đều mang lại hiệu quả cao từ những chuyến đi biển đầu tiên, tạo niềm cho ngư dân. Tuy nhiên, khi thông tin về tàu vỏ thép của một số địa phương khác liên tục gặp sự cố, phải nằm bờ, một số ngư dân lưỡng lự giữa vay vốn đầu tư hay tạm dừng, chọn vỏ thép hay vỏ gỗ. Những trăn trở của họ hoàn toàn có cơ sở, nhưng có thể sẽ vuột mất cơ hội vay vốn đóng tàu lớn vỏ thép để hiện thực hóa giấc mơ vươn khơi bám biển dài ngày.

Những sai phạm của các đơn vị đóng tàu, trách nhiệm của các đơn vị đăng kiểm rồi đây sẽ được điều tra, làm rõ và xử nghiêm theo pháp luật. Tuy nhiên, điều cần thiết lúc này là tinh thần cầu thị, sửa sai của các đơn vị đóng tàu để tàu vỏ sắt vươn khơi trở lại chứ không phải là các thủ thuật để trốn tránh trách nhiệm, luật pháp để lấy lại niềm tin của ngư dân về tàu vỏ thép nói riêng, chủ trương hiện đại hóa tàu cá của Nhà nước nói chung. Đó cũng là cách doanh nghiệp lấy lại lòng tin của khách hàng để có thể phát triển bền vững.

Hoàng Giang