Thời gian gần đây, xu hướng tắm suối, sở thích khám phá những dòng thác, cánh rừng hoang sơ được nhiều người lựa chọn. Ngoài những khu suối tắm đã được thành lập ban quản lý, vẫn còn nhiều điểm chưa đưa vào khai thác nhưng đã thu hút nhiều dấu chân du khách tìm đến khai phá.

Một số điểm nếu có tổ thu gom rác, làm vệ sinh môi trường thì tạm ổn. Nhưng những nơi chưa có đội ngũ này thì lượng rác thải đang tăng và nằm nhếch nhác dọc những lối đi, hai bên khe suối...

Thường lúc đi, du khách mang theo nhiều thức ăn, vật dụng, nhưng đến khi về, họ bỏ lại những thứ không còn sử dụng hoặc không cần thiết, như túi ni lông, giấy gói, vỏ lon, chai, thức ăn thừa...

Những du khách nào có ý thức thì sau cuộc chơi, tắm mát, ăn uống tại chỗ, họ thu dọn, gói gọn những túi rác mang ra khỏi rừng để vứt đúng nơi quy định. Có những nhóm khách thu gom rác lại một chỗ nhưng không tìm được thùng rác, nên đành “ném tạm” xuống đất hoặc ở những góc khuất. Người vô ý thức thì tiện đâu vứt đó, xả bừa bãi trên mặt suối, bên hóc đá...

Trò chuyện với những hộ kinh doanh dịch vụ ở một số khu du lịch tắm suối, phần lớn họ rất quan tâm và mong muốn giữ gìn vệ sinh môi trường thật sạch đẹp để tạo thiện cảm, thu hút du khách đến tham quan, tắm mát và sử dụng dịch vụ, thức ăn, đồ uống trong những lần tiếp theo.

Thế nên, không trông đợi vào ý thức của du khách, việc trước tiên họ cần làm là chủ động thu gom “hiện trường” sạch sẽ sau những cuộc vui của du khách. Tiếp đến là tuyên truyền trực quan bằng cách treo bảng cấm xả rác, áp-phích tại các điểm “bắt mắt”, dọc các tuyến đường đến khu du lịch. Đối với những khu vực hoang sơ, nhiều người cho rằng nên đầu tư, bố trí những thùng đựng rác tại một số điểm hợp lý để phục vụ du khách, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, không khí nếu chưa được thu gom xử lý kịp thời.

Điều thú vị khi đặt chân đến khu du lịch Vườn quốc gia Bạch Mã là dòng chữ  “Không lấy gì ngoài những tấm ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân” được gắn dọc những lối đi, điểm dừng chân. Hình ảnh này là lời nhắc nhở đối với mỗi du khách trong việc tôn trọng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường trong suốt hành trình tham quan, khám phá tại đây. Tất nhiên, để thuận tiện cho du khách vứt rác, ban quản lý vườn bố trí những “thùng xin rác” vô cơ, hữu cơ riêng biệt được xây bằng bê tông ở những nơi có người qua lại.

Mô hình đặt thùng xin rác không chỉ có ở Bạch Mã mà đã xuất hiện ở nhiều nơi như đồi Thiên An (thị xã Hương Thủy), làng du lịch sinh thái, tắm suối ở Nam Đông, A Lưới, Phong Điền… Việc làm tuy nhỏ, nhưng đem lại lợi ích lớn và tác động đến ý thức của nhiều người.

Vì thực tế, khi có những thùng xin rác này, du khách không lý do gì không bỏ rác vào thùng để thể hiện mình là người văn minh, lịch sự. Hơn nữa, những thùng “xin rác” như thế này còn là kênh tuyên truyền, “nhắc khéo”, tạo ý thức, thói quen cho du khách bỏ rác đúng nơi đúng chỗ, giữ cho môi trường sinh thái luôn trong lành, hoang sơ, hạn chế tối đa tác động từ việc xả thải của con người.

Hoài Thương