Một phiên họp của LHQ tại trụ sở ở New York. Ảnh: AP
Phát ngôn viên Stéphane Dujarric của Tổng thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh: "Hiệp ước này là một bước tiến quan trọng và góp phần vào nguyện vọng chung về một thế giới không có vũ khí hạt nhân... Tổng Thư ký hy vọng rằng, hiệp định mới này sẽ thúc đẩy đối thoại toàn diện và hợp tác quốc tế mới nhằm đạt được mục tiêu lâu dài của việc giải trừ vũ khí hạt nhân".
Hiệp ước trên được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu với 122 phiếu thuận so với 1 phiếu chống của Hà Lan và một bỏ trắng của Singapore, theo đó sẽ cấm một loạt các hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân như phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, sở hữu hoặc dự trữ vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác, cũng như ngăn cấm việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng những loại vũ khí này.
Đại sứ Elayne Whyte Gómez của Costa Rica cho rằng, với hiệp định này, thế giới đang "tiến gần hơn" tới việc loại bỏ hoàn toàn các vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước sẽ được để mở cho tất cả các quốc gia có thể ký kết tại Trụ sở LHQ ở New York vào ngày 20/9 tới, và có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi được phê duyệt bởi ít nhất 50 quốc gia.
Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn không tham gia đàm phán, bao gồm Hoa Kỳ, Nga và các quốc gia hạt nhân khác, cũng như nhiều đồng minh của họ. CHDCND Triều Tiên cũng không tham gia các cuộc hội đàm này.
Trong một thông cáo báo chí chung đưa ra hôm qua, các phái đoàn của Mỹ, Anh và Pháp nói rằng họ "không tham gia đàm phán hiệp định, và không có ý định ký kết, phê chuẩn...", với quan điểm "sáng kiến này không coi trọng thực tế của môi trường an ninh quốc tế"...
Bảo Nghi (Lược dịch từ UN & CNA)