Ông Nguyễn Xuân Định thương binh hạng 3, xã Quảng Thành hoàn thành giấc mơ cuối đời

Sẻ chia

Theo giới thiệu của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Huế, chúng tôi dừng chân trước nhà số 274 Chi Lăng, một căn nhà 2 tầng với mặt tiền rộng chừng 4m. Căn nhà khang trang hơn so với suy nghĩ ban đầu, là của một trong những hộ chính sách nghèo được Chính phủ hỗ trợ xây dựng nhà ở vào năm 2013.

Ông Đào Hữu Tiến, chủ nhân ngôi nhà, nhớ lại: "Nói nhà cho “oai” vậy thôi chứ trước đây, gia đình tôi phải nhờ tạm hai bức tường của 2 nhà bên cạnh, gác vài thanh gỗ rồi lợp tôn, che mưa che nắng qua ngày. Phía sau nhà dựng tạm căn gác nhỏ làm nơi thờ tự”. Cười buồn, ông Tiến tiếp, lúc đám cưới con gái đầu, bước lên căn gác thờ làm lễ cúng gia tiên, ai cũng nhấp nhỏm bởi nó cứ đong đưa không biết sập lúc nào. Mang tiếng dân thành phố, lại là nhà mặt tiền nhưng có hôm trời mưa, cả nhà phải chạy ngược chạy xuôi kiếm chỗ khô ráo để ngồi.

“Hai vợ chồng đều là công nhân của Công ty TNHH Luks Việt Nam, mẹ tôi (mẹ liệt sĩ) lúc đó cũng già yếu, con cái đang tuổi ăn học nên dù rất mong muốn có ngôi nhà đủ che nắng, che mưa nhưng "lực bất tòng tâm". Nghe thông tin, gia đình nằm trong danh sách phê duyệt được hỗ trợ 40 triệu xây nhà, cả nhà mừng lắm. Ban đầu cũng chỉ định xây căn nhà cấp 4, nhưng người thân, xóm giềng cứ động viên “đã làm thì làm cho đàng hoàng” thế là vợ chồng dốc hết vốn liếng tích cóp được, vay mượn gần hơn 150 triệu đồng đầu tư làm lại căn nhà như ngày nay. Mẹ tôi trước lúc mất vẫn mỉm cười, vì dù sao bà cũng được sống trong ngôi nhà khang trang trước lúc qua đời (2015)". Ông Tiến tâm sự.

Gia đình ông Đào Hữu Tiến là một trong số 2.329 hộ người có công trên địa bàn được nhận hỗ trợ từ chương trình nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Cũng nhờ sự hỗ trợ trên, nhiều thương binh, bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng đã thỏa ước mơ có một ngôi nhà đúng nghĩa để an cư. Ông Nguyễn Xuân Định, thương binh hạng 3, xã Quảng Thành (Quảng Điền), là một ví dụ. Ngấp nghé tuổi 90, vợ chồng ông vẫn ở trong căn nhà tranh ọp ẹp, nếu không nhờ nguồn hỗ trợ từ chương trình nhà ở cho người có công thì cuối đời có một mái ấm khang trang vẫn chỉ là giấc mơ. Nhớ ngày đến thăm, ông cứ cầm tôi dặn dò mãi: “O viết báo thì cho tôi nhắn 1 câu, tôi biết ơn Đảng, Nhà nước mình nhiều lắm”.

Cần chung tay

Theo báo cáo của UBND tỉnh với Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2012, số hộ gia đình có công cần hỗ trợ về nhà ở tại Thừa Thiên Huế là  2.238 hộ; trong đó, xây mới 502 hộ và sửa chữa 1.736 hộ. Tuy nhiên, theo đề án đã phê duyệt có đến 5.264 hộ cần được hỗ trợ nhà ở. Đến nay, Bộ Tài chính mới chỉ tạm ứng cho tỉnh 20,538 tỷ đồng, đạt 38% kinh phí cần có.

Để kịp thời triển khai chương trình, tỉnh tạm ứng ngân sách thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, với tổng số tiền 41,042 tỷ đồng, tương ứng với 2.043 hộ; trong đó: xây mới 464 hộ; cải tạo, sửa chữa 1.579 hộ. Như thế, từ nguồn kinh phí tạm ứng của Trung ương và nguồn vốn tạm ứng ngân sách, tỉnh đã triển khai xây dựng xong 2.329 hộ với kinh phí trên 61,5 tỷ đồng, xây mới 744 căn (29,8 tỷ đồng); cải tạo 1.585 căn (31,7 tỷ đồng). Năm 2017, theo phân bổ nguồn vốn xây dựng cơ bản, tỉnh bổ sung 5 tỷ đồng thực hiện đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công.

Chăm lo nhà ở cho người có công không chỉ gói gọn trong thực hiện đề án hỗ trợ đã được tỉnh phê duyệt. Thời gian qua, các tổ chức, đoàn thể xã hội trên địa bàn cũng linh động sử dụng nguồn vốn huy động xây dựng cải tạo nhà ở cho người có công.

Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Huế Dương Xuân Mân thông tin, trong 5 năm (2012 - 2016), ngoài chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22 của Chính phủ, thành phố còn sử dựng nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa huy động xây mới 46 nhà và sửa chữa 202 nhà với kinh phí gần 3,2 tỷ đồng. Thành phố còn phối hợp với các phường tiến hành tổng hợp các danh sách gia đình người có công khó khăn về nhà ở, huy động và kết nối với các đơn vị kết nghĩa, nhà hảo tâm xúc tiến hỗ trợ nhà ở cho người dân; phân công cho các tổ chức đoàn thể hỗ trợ từng gia đình, cụ thể như bảo lãnh vay nguyên vật liệu khi nguồn hỗ trợ cấp trên chưa kịp cấp, vận động hội viên, bà con lối xóm giúp đỡ về ngày công giảm chi phí xây dựng cho các gia đình có công…

Mặc dù chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cải thiện chỗ ở cho người có công, nhưng vấn đề đặt ra là các hộ được phê duyệt hầu hết đều lớn tuổi, mong muốn có một căn nhà khang trang để ở là nhu cầu bức thiết, trong khi việc bố trí kinh phí phục vụ chương trình vẫn rất chậm, chưa thể đáp ứng nhu cầu. Ngoài đề xuất Trung ương và tỉnh sớm bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình thì các tổ chức, đoàn thể, người dân cũng cần chung tay hỗ trợ xây dựng, cải thiện chỗ ở cho người có công, thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”.

Hoàng Loan