Nếu như trước đây, muốn mua bất kỳ hàng hóa nào ở trong và ngoài nước đều phải thực hiện các bước: đến trực tiếp để mua hoặc nhờ người thân mua hộ. Ngày nay, chỉ cần ở nhà lên mạng nhấp chuột là có đủ mọi thứ hàng hóa khắp nơi trên thế giới.

Chị Lê Thị Diệu Hòa, ở phường An Cựu cho hay: “Thương mại điện tử (TMĐT) quá tiện lợi, chúng tôi chẳng phải tốn kém thời gian gì nhiều cho việc mua sắm. Tất cả hàng hóa đều có sẵn trên internet, chỉ cần chọn sản phẩm, đảm bảo đúng chất lượng, phù hợp với túi tiền là đăng ký mua, thanh toán qua mạng hoặc thanh toán tại nhà, chỉ mấy hôm sau hàng về tận nhà mình. Ở cơ quan chúng tôi, đa phần các chị em đều mua hàng qua mạng và ai cũng cảm thấy hài lòng về chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Quan trọng nhất là cần tìm được các địa chỉ bán hàng uy tín, được người tiêu dùng bình chọn”.

Anh Trương Hữu Khôi, nghệ nhân đóng đàn guitar Tân Châu ở Huế cho biết: “Việc đóng đàn guitar phải dựa vào khuôn đàn, nhưng để làm một khuôn đàn mới, nhất là các mẫu đàn hiện đại mỏng, nhỏ thì tốn rất nhiều công sức để chế khuôn đàn. Nhờ qua các kênh bán hàng điện tử nổi tiếng thế giới, tôi đã đặt các khuôn đàn của các nhà sản xuất đàn danh tiếng như Ibanez, Fender, Yamaha,… và họ đã gửi về cho tôi chỉ sau 3 tuần đặt hàng. Nhờ có các khuôn mẫu đàn mới, chúng tôi đã đa dạng hóa sản phẩm nên hàng bán ra được rất nhiều”.

Theo các nhà phân tích thị trường, hiện nay, việc buôn bán hàng trực tuyến đang là thách thức lớn với kiểu bán hàng truyền thống. Bởi vì các cửa hàng trực tuyến hiện chiếm ưu thế là có thể tìm hiểu được về thói quen và sở thích của khách hàng dựa trên những lựa chọn được đưa ra trên mạng. Trong khi, hầu hết các cửa hàng truyền thống có điểm hạn chế là thiếu thông tin, chịu áp lực phải trưng bày sản phẩm thật hấp dẫn, chịu chi phí thuê mặt bằng, người bán hàng… do đó khó có thể cạnh tranh được với các nhà bán lẻ trực tuyến vốn chỉ cạnh tranh đơn thuần về giá.

Một khía cạnh khác, TMĐT giúp cho ngư­ời tiêu dùng có thể mua sắm bất cứ sản phẩm nào của nhà sản xuất và những nhà bán lẻ trên khắp thế giới. Họ có thể xem xét các sản phẩm, thông tin về sản phẩm trên máy tính hay màn hình ti vi, có thể lấy những thông tin này hay dùng nó để tạo ra những yêu cầu về các sản phẩm phù hợp với mình, đặt hàng và thanh toán ... Tất cả đều đư­ợc thực hiện ngay tại nhà.

Chị Nguyễn Thị Túy, người bán hàng lâu năm ở Huế ngậm ngùi: “Chúng tôi bán các mặt hàng tạp hóa như bánh kẹo, sữa, hạt dưa… mấy chục năm rồi, hàng hóa chúng tôi bán chạy nhất là vào các dịp lễ, tết. Nhưng mấy năm trở lại đây buôn bán ế ẩm do người tiêu dùng họ đã chuyển qua mua bán hàng trên mạng, đỉnh điểm nhất là Tết Đinh Dậu vừa rồi, chúng tôi chỉ bán được vài kg hạt dưa, ít bánh kẹo nên đành phải quyết định đóng cửa hàng”.

Tại Diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam (VOBF) 2017 diễn ra mới đây, bà Đặng Thủy Hà - Trưởng đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Hà Nội cho biết: Thị trường TMĐT Việt Nam năm 2016 đã đạt tới mốc 4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực TMĐT của Việt Nam là khoảng 35%. Theo bà Hà, 45% dân số Việt Nam hiện nay đã tiếp cận với internet. Đáng chú ý là tỷ lệ dân số tiếp cận internet tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh còn cao hơn rất nhiều. Điều này tạo điều kiện phát triển cho ngành TMĐT tại Việt Nam.

Tuy có nhiều lợi thế, nhưng TMĐT cũng có những rào cản của nó. Nhiều chuyên gia kinh tế cho hay, Việt Nam vẫn là nền kinh tế tiền mặt, có bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đang thiếu lòng tin vào thương hiệu sản phẩm, thương hiệu bán lẻ, độ an toàn thanh toán, rồi thói quen mua sắm của người Việt vẫn thích tận mắt nhìn thấy sản phẩm…

Chính vì vậy, trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng như hiện nay, đặc biệt, xu hướng TMĐT đang nổi lên, thì các nhà buôn bán truyền thống cần phải tập trung đầu tư hơn nữa cách tiếp cận khách hàng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm, uy tín trong giao thương… để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh sản phẩm khốc liệt như hiện nay.

GIA HÂN