Sản xuất men frít tại Công ty CP Prime Phong Điền

Thuận lợi nguyên liệu và nguồn lao động

Sau quá trình khảo sát và nghiên cứu, tháng 10/2016, Công ty CP Frít Phú Xuân quyết định đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất men frít tại khu B, KCN Phong Điền. Với công suất 22 ngàn tấn/năm, 6 tháng đầu năm 2017, doanh nghiệp (DN) cung ứng ra thị trường 10 ngàn tấn sản phẩm và giải quyết việc làm cho 100 lao động.

Giám đốc công ty, ông Lê Văn Thông cho rằng: “Thừa Thiên Huế có trữ lượng cát lớn, là nguồn nguyên liệu quý để sản xuất và chế biến men frít nên DN gặp khá nhiều thuận lợi khi đặt nhà máy tại đây. Hiện, sản phẩm đang tiêu thụ tốt. Đầu năm 2018, DN tiếp tục đầu tư 25 tỷ đồng nâng công suất nhà máy lên 33 ngàn tấn/năm”. Với trữ lượng cát nội đồng lớn (trên 3.000ha), đây là nguồn nguyên liệu quý hiếm phục vụ sản xuất các sản phẩm từ cát nhằm khai thác tiềm năng và phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.

Thuận lợi từ hạ tầng và nguồn lao động dồi dào, từ một nhà máy với 1.200 lao động vào năm 2008, đến nay Công ty Scavi Huế có 4 nhà máy may với hơn 6.500 lao động, doanh thu tăng từ 0,6 triệu USD năm 2008 lên 70 triệu USD trong năm 2016. Trong đó, tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt trên 30%, năm 2017 dự kiến doanh thu đạt 90 triệu USD.

Tổng Giám đốc Scavi Huế, ông Trần Văn Mỹ lý giải: “Thành công lớn nhất của một DN khi xây dựng nhà máy không chỉ nhờ vào thị trường tiêu thụ, đối tác tiềm năng mà quan trọng là có nguồn lực dồi dào. Tại KCN Phong Điền, vấn đề tuyển dụng lao động khá thuận lợi nên sắp tới, DN tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy”.

Cơ bản hoàn thiện hạ tầng

Là một trong số 6 KCN của tỉnh được UBND tỉnh ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào, đồng thời tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư, hiện KCN Phong Điền đã có 3 nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng với tổng vốn đăng ký là 1.900 tỷ đồng. Đó là Công ty CP Prime Thiên Phúc, Công ty TNHH C&N Vina Huế và Công ty Đầu tư kinh doanh hạ tầng Viglacera, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%.

Về kết cấu hạ tầng phục vụ khu công nghiệp, theo Giám đốc Công ty CP Prime Thiên Phúc-Hà Văn Tấn, công ty được cấp phép xây dựng kết cấu hạ tầng khu B trên diện tích 107ha, tổng vốn đăng ký 121 tỷ đồng. Hiện, đã hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng 88,8ha và đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, diện tích còn lại đang tiếp tục triển khai. Trong đó, hệ thống thoát nước đạt tiến độ trên 90%, đường giao thông 30%, các hạng mục còn lại sẽ hoàn thành khi có DN thứ cấp đến xây dựng nhà máy.

Cùng với các DA đầu tư xây dựng hạ tầng trong hàng rào của các DN, trong hai năm 2016 và 2017, các ban ngành của tỉnh đã đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông đối ngoại, như tuyến đường từ Quốc lộ 1A vào Khu C với tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng, tuyến đường từ Quốc lộ 1A nối vào các khu B, C và KCN Viglacera với tổng vốn trên 10 tỷ đồng. Riêng DA đường cứu hộ cứu nạn nối từ quốc lộ về xã Điền Lộc có tổng vốn 600 tỷ đồng, trong đó có 2km đi qua KCN, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các DN giữa các KCN, đồng thời rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa.

Tăng cường kết nối

Phó Trưởng ban Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định: “Hạ tầng tại KCN Phong Điền cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu cho các DN xây dựng nhà máy sản xuất. Trong đó, hệ thống giao thông đối ngoại khá hoàn chỉnh, giao thông đối nội các nhà đầu tư hạ tầng đầu tư ngay khi có DN thứ cấp được cấp phép; một số tuyến đường nối từ Quốc lộ 1A vào các KCN đang xúc tiến đầu tư và sẽ hoàn thiện trong năm 2018”.

Bên cạnh những thuận lợi thì hiện nay, một số tuyến đường huyết mạch như Tỉnh lộ 6, đường giao thông nối các khu A, B và khu C còn quá nhỏ, xe tải trọng lớn không thể qua được, gây khó khăn trong việc vận chuyển. Diện tích khu A với trên 100ha hiện vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng, trong khi đã thu hút 3 nhà đầu tư thứ cấp là Công ty Scavi, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty TNHH phụ kiện Hivi Việt Nam, nên hệ thống đường giao thông trong hàng rào KCN chưa đầu tư đúng mức, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung gây khó khăn cho các DN.

Giám đốc Công ty CP Prime Phong Điền, ông Phan Quang Nhật thông tin: “Mỗi năm DN sản xuất khoảng 20 ngàn tấn men frít cung cấp cho các đối tác trong nước nên xe vận chuyển hàng hóa ra vào DN liên tục 24/24 giờ. Trong khi, tuyến đường Tỉnh lộ 6 quá nhỏ, tải trọng thấp nên các xe tải chở hàng không thể đi được mà phải đi vòng các tuyến đường trong KCN làm kéo dài thời gian và tốn nhiên liệu”.

Qua làm việc với Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, hiện các DN hạ tầng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu B và C, đồng thời ban đang đẩy nhanh việc xúc tiến kêu gọi đầu tư đối với hạ tầng khu A nhằm hoàn thiện hệ thống đường giao thông, điện, nước và xử lý nước thải toàn KCN Phong Điền.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng ban Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh,  khó khăn lớn nhất đang tìm cách tháo gỡ là kêu gọi nhà đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho cả KCN, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN thứ cấp xây dựng DA.

Bài, ảnh: Thanh Hương