Hiệu quả

Hàng năm, HTX NN An Xuân (Quảng An, Quảng Điền) đưa vào sản xuất 250 ha lúa/vụ. Trong đó, có khoảng 60 ha diện tích nằm sát chân đầm phá, thường bị nhiễm chua phèn. Cá biệt, vụ hè thu năm 2016, có hơn 50 ha mất trắng do hiện tượng nhiễm chua phèn trong đất. Việc đưa vào khảo nghiệm thành công giống lúa KH1 trên vùng đất An Xuân được xem là bước đột phá nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên diện tích trồng lúa tại địa phương.

Ông Trần Đức Diện, Phó Giám đốc HTX NN An Xuân cho biết, vụ đông xuân 2016-2017, Chi cục TT&BVTV tỉnh phối hợp với đơn vị triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, hiệu quả sản xuất lúa trên đất nhiễm phèn, mặn ven phá” với diện tích 5ha của hơn 30 hộ dân tham gia mô hình. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, giống KH1 có thời gian sinh trưởng khoảng 115-117 ngày, ngắn hơn giống truyền thống từ 5-7 ngày; đẻ nhánh tốt, nhiều hạt, chất lượng gạo ngon.

Ông Trần Đình Tuấn, một nông dân cho hay, tham gia mô hình ngoài được hỗ trợ giống, 30% vật tư, bà con nông dân phấn khởi vì tìm được giống lúa “trị” được chân đất chua phèn- vốn là “bài toán” nan giải từ nhiều năm nay đối với vùng đất ven đầm phá. “Giống KH1 ít nhiễm sâu bệnh hơn các loại giống khác, năng suất bình quân đạt từ 70-75 tạ/ha. Với giá lúa khô 5,5 nghìn đồng/kg là tương đối được. So với vùng đất này trước kia, bà con sản xuất bây giờ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Tuấn khẳng định.

Cũng trong vụ đông xuân 2016-2017, tại huyện Phú Lộc, các HTX Đại Thành (xã Lộc An), Bắc Hà (thị trấn Phú Lộc) đã triển khai khảo nghiệm sản xuất giống lúa AX14 trên diện tích 10 ha của hàng chục hộ dân. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống và 30% chi phí vật tư nông nghiệp. AX14 là giống lúa thuần do Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi Thừa Thiên Huế chọn, tạo. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, AX14 có năng suất khá cao, cho năng suất thực thu đạt được 62 tạ/ha, cao hơn so với giống Khang Dân gieo trên cùng chân đất bình quân khoảng 2 tạ/ha.

“Năng suất ước tính của ruộng mô hình cao hơn so với ruộng đối chứng khoảng 5-15kg/sào, tương đương 1-3 tạ/ha. Do vậy, lợi nhuận kinh tế thu về được từ ruộng mô hình chênh lệch với ruộng truyền thống là 52 nghìn đồng/sào, tương đương hơn 1 triệu đồng/ha”, ông Trần Thỏn, một hộ dân tham gia mô hình, khẳng định.

Nhân rộng

Từ những mô hình khảo nghiệm đầu tiên, hiện nay hai giống lúa KH1 và AX14 đã triển khai vụ hè thu 2016-2017 trên diện tích gần 100 ha của 20 HTX NN trên địa bàn Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Lộc.

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết, hàng năm, trên địa bàn có khoảng 700 ha lúa nằm sát chân đầm phá, nhiều diện tích bị ảnh hưởng do nhiễm phèn, mặn, gây thiệt hại cho bà con nông dân. Hiện nay, các HTX An Xuân, Quảng Thọ 2, Đông Phú đang triển khai trồng các giống lúa KH1 và AX14 trên các chân đất chua phèn, cho kết quả khả quan.

“Hai giống lúa này có năng suất khá cao, dễ sản xuất, ít sâu bệnh hại hơn so với giống Khang Dân, các địa phương nên tiếp tục đầu tư thâm canh vùng chuyên canh sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nông dân. Mặt khác, bố trí giống ở các vùng đất thích hợp như chua phèn, trũng…để phát huy ưu thế các giống lúa này là khả năng đẻ nhánh mạnh và chịu chua phèn”, ông Vọng đề xuất.

Cũng theo ông Vọng, các doanh nghiệp, đại lý, đơn vị sản xuất tiêu thụ và các HTX cần có sự trao đổi, phối hợp và hợp đồng ký kết với người dân, để khuyến khích người dân mạnh dạn hơn trong việc đưa các giống mới như KH1 và AX14 vào sản xuất.

Ông Ngô Viết Trí, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nông- lâm (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) cho hay, hiện nay có hàng nghìn ha lúa trên địa bàn tỉnh nằm ven đầm phá, thường xuyên nhiễm chua phèn. Việc đưa vào trồng, khảo nghiệm thành công hai giống lúa KH1 và AX14 có ý nghĩa quan trọng trong việc thích nghi với biến  đổi khí hậu. Kết quả khảo nghiệm cho thấy, bà con nông dân mong muốn nhân rộng mô hình, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật.

Ông Trí cho biết thêm, trong quá trình triển khai thực hiện các giống lúa mới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với địa phương, các HTX để chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân tích cực thực hiện các biện pháp kỹ thuật và các giải pháp để phòng trừ sâu bệnh. Hiện nay, Sở NN&PTNT, các ban ngành liên quan đang tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện để các đơn vị HTX tiếp tục tổ chức sản xuất nhân rộng nhiều giống lúa mới trong các vụ sau trên các vùng có cùng điều kiện thâm canh”.

Theo Trung tâm Khuyến nông, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã sản xuất trên 3.000 ha các loại giống lúa mới, lúa hữu cơ, chất lượng cao và kháng rầy như BT7, DT39, Thiên Ưu 8, VTNA2, HP01, HP05, RNT07, ĐT34, Q5, PC6, HP28, tập trung nhiều ở huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền. Các vùng sản xuất các giống lúa này có sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hướng đến tạo thương hiệu gạo hữu cơ có giá trị.

Hà Nguyên