Tập huấn cạo mủ cao su ở Nam Đông
Thu nhập ổn định
Đời sống gia đình ông Phạm Văn Thức ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) có được như hôm nay bắt đầu từ lớp dạy nghề do HND tỉnh tổ chức cách đây 3 năm. Được tham gia lớp học, ông Thức nắm bắt những kỹ năng, kỹ thuật cơ bản về quy trình trồng trọt, chăn nuôi và cách phòng trừ dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM), lợn tai xanh (LTX), dịch cúm gia cầm (DCGC), phương thức sản xuất theo mô hình trang trại... Sau lớp học, cộng với kinh nghiệm từ nghề nông truyền thống, ông Thức mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trên vùng cát Quảng Vinh.
“Khát vọng làm trang trại trên cát bắt đầu trở thành hiện thực sau khi tham gia lớp dạy nghề kéo dài 3 tháng. Từ nguồn vốn dành dụm được, vay mượn thêm bà con, tui huy động người thân khai hoang vùng cát, mua giống lợn, gà và cây trồng để phát triển sản xuất. Nắm bắt kỹ thuật cơ bản từ quá trình học tập, ứng dụng vào thực tiễn đã thật sự phát huy hiệu quả. Kể từ khi làm trang trại đến nay, cả cây trồng, vật nuôi đều không bị dịch bệnh. Hơn 3 năm nay, mô hình trang trại đều cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm”, ông Thức trải lòng.
Trước đây theo phương thức chăn nuôi truyền thống, ông Nguyễn Thuận ở xã Quảng Vinh chỉ biết cho gia súc, gia cầm ăn cháo, cám, các loại rau nên chậm lớn. Một số loại bệnh thông thường như dịch tả cũng không chữa được. Ông Thuận chia sẻ, sau khi tham gia lớp dạy nghề do HND tỉnh tổ chức, ông học được rất nhiều điều. Chăn nuôi theo hướng công nghiệp, phải tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin, xây dựng chuồng trại đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp mùa đông. Các loại dịch LMLM, LTX, DCGC cơ bản khống chế, không còn tái phát. Mô hình trang trại tổng hợp của ông đều cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm.
Hộ chị Nguyễn Thị Nguyên ở xã Phú Diên (Phú Vang) từ nuôi vài chục con gà, vài con lợn, sau khi tham gia lớp dạy nghề đã phát triển lên 1.500 con gà, 10 con lợn, bình quân mỗi tháng lãi 5 triệu đồng. Hộ anh Trần Thìn (Phú Diên) nắm bắt được kỹ năng, kỹ thuật đã mạnh dạn đầu tư máy ấp trứng, nuôi 20 con dê, hàng trăm gà đẻ... cho thu thu nhập 60 triệu đồng/năm. Các hộ: Văn Toàn ở xã Thủy Lương (TX Hương Thủy), Nguyễn Ngọc ở xã Quảng Phươc (Quảng Điền), Trần Bảng ở xã Phong Chương (Phong Điền)... sau khi tham gia lớp đào tạo nghề đã mạnh dạn phát triển sản xuất, bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên...
Gắn với giải quyết việc làm
Ông Phan Cảnh Ngưu, Chủ tịch HND huyện Quảng Điền cho rằng, việc đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn. Thông qua các lớp dạy nghề do HND tỉnh tổ chức, nhiều lao động tự tin bước vào nghề, giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định. Tính riêng 3 năm gần đây, trên địa bàn huyện Quảng Điền có khoảng 500 người được đào tạo nghề tại chỗ, gồm may công nghiệp, chăm sóc cây cảnh, pha chế đồ uống, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm... Hầu hết các hộ tham gia các lớp dạy nghề đều ổn định cuộc sống. Nhiều thanh niên sau khi học nghề may vào TP. Hồ Chí Minh làm việc, có điều kiện giúp đỡ gia đình.
Từ năm 2012-2017, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc HND tỉnh đã tổ chức gần 100 lớp dạy nghề cho 2.202 lao động nông thôn. Các ngành nghề may công nghiệp, chăn nuôi-thú y, phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm, nuôi cá nước ngọt, nuôi tôm sú, tôm chân trắng, trồng hoa, khai thác mủ cao su... |
Ông Dương Công Anh Tuyến, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc HND tỉnh cho hay, bám sát nhu cầu thực tiễn đời sống, trình độ nông dân, ngành nghề ở nông thôn, trung tâm tổ chức các lớp đào tạo, dạy nghề phù hợp. Hầu hết các lớp đào tạo đều kéo dài 3 tháng, chủ yếu thực hành tại chỗ, “bắt tay chỉ việc”. Chất lượng học viên ngày càng tăng, tỷ lệ khá giỏi đạt 65-75%.
Sau khi kết thúc các khóa học, trung tâm phối hợp với HND cơ sở, liên kết với các doanh nghiệp để tư vấn, giới thiệu vào làm việc tại các công ty trên địa bàn tỉnh, ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều người còn được tham gia xuất khẩu lao động. Một bộ phận lao động liên kết với nhau, thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác tương trợ, giúp nhau phát triển sản xuất. Đối với lĩnh vực phi nông nghiệp sau khi kết thúc khóa học, trên 85% học viên có việc làm ổn định với mức thu nhập 2,5-5 triệu đồng/tháng. Các ngành nghề nông nghiệp, có 90% đã ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Ông Dương Công Anh Tuyến chia sẻ, hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân đã thấy rõ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với trung tâm hiện nay là kinh phí đào tạo. Riêng năm 2017, đến nay mới chỉ tổ chức 5 lớp dạy nghề, do nguồn kinh phí của Trung ương HND Việt Nam cấp. Để tăng cường đào tạo, dạy nghề cho nông dân cần sự quan tâm hỗ trợ thêm về kinh phí của địa phương. Sắp đến, ngoài ngân sách của tỉnh và Trung ương HND Việt Nam, trung tâm từng bước xã hội hóa về công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho nông dân.
Bài, ảnh: Hoàng Triều