Điều phụ huynh quan tâm là đằng sau sự bình ổn học phí là những đóng góp ngoài học phí

Không tăng học phí

Mức thu học phí của các đơn vị giáo dục công lập trên địa bàn Thừa Thiên Huế sẽ không thay đổi so với năm học 2016-2107, dao động từ 144.000 đồng đến 8.000 đồng/tháng/học sinh, tùy theo vùng miền và cấp học. Mức học phí này chia theo ba khu vực là thành thị, nông thôn và miền núi. Khu vực thành thị gồm các phường thuộc thành phố Huế và các phường thuộc 2 thị xã: Hương Trà và Hương Thuỷ. Khu vực nông thôn gồm các thị trấn và các xã đồng bằng. Khu vực miền núi gồm các thị trấn miền núi và các xã miền núi.

Bậc mầm non bán trú ở khu vực thành phố Huế quy định thu cao nhất là bán trú, 144.000 đồng/tháng/học sinh và 96.000 đồng/tháng/học sinh không bán trú. Thị xã Hương Thủy và Hương Trà mức thu lần lượt là 96.000 đồng và 72.000 đồng. Khu vực nông thôn mức thu này là 72.000 đồng và 54.000 đồng đối với thị trấn; 48.000 đồng và 36.000 đồng đối với các xã đồng bằng. Khu vực miền núi, các thị trấn miền núi thu mức 24.000 đồng và 18.000 đồng; các xã miền núi mức thu là 12.000 đồng và 10.000 đồng.

Bậc trung học cơ sở (THCS) ở thành thị có 2 mức là 75.000 đồng và 60.000 đồng/tháng/học sinh tùy vùng; nông thôn có 2 mức là 45.000 đồng và 30.000 đồng; miền núi 2 mức là 15.000 đồng và 8.000 đồng. Bậc THCS có học nghề mức thu ở thành thị là 91.000 đồng và 73.000 đồng; ở khu vực nông thôn là 59.000 đồng và 42.000 đồng; ở khu vực miền núi mức thu là 28.000 đồng và 14.000 đồng.

Bậc trung học phổ thông (THPT) ở thành thị thu 2 mức là 78.000 đồng và 65.000 đồng/tháng/học sinh; khu vực nông thôn thu 2 mức là 52.000 đồng và 39.000 đồng; khu vực miền núi mức thu này là 20.000 đồng và 13.000 đồng.

Như mọi năm, tất cả trường học trên địa bàn vẫn tiếp tục thực hiện chế độ miễn giảm theo quy định (Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021; Thông tư liên tịch số 9/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/3/2016 của liên Bộ GD&ĐT - Bộ Tài chính - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Trẻ em học mầm non, học sinh phổ thông công lập và học viên học ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo chương trình THCS, THPT có cha, mẹ thuộc đối tượng được bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển theo quyết định của cấp có thẩm quyền được miễn học phí. Học phí sẽ được các trường thu theo tháng hoặc theo học kỳ, theo năm tùy thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh và thu theo tháng thực học.

Không bình lặng

Ông Trương Văn Đới, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hương Trà thông báo, cho đến thời điểm này không có thông tin gì về thay đổi học phí. Điều này khiến phòng rất yên tâm trong công tác vận hành cho năm học mới. Bà Ngọc Như, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Huế cho biết, hiện nay bậc mầm non thuộc thành phố Huế vẫn sẽ triển khai thu học phí theo quy định. Tuy nhiên, tùy điều kiện, khả năng của phụ huynh và nhu cầu phục vụ học sinh của từng trường sẽ có những khoản đóng góp theo hình thức xã hội hóa khác nhau. Tuy tất cả khoản thu chi của các trường đều đã được chỉ đạo xây dựng thành dự án để trình phòng, sau đó phòng sẽ nghiên cứu, tham mưu và yêu cầu UBND thành phố cho phép, khi đó mới triển khai, nhưng mức đóng góp này mỗi trường mỗi khác khiến các phụ huynh không khỏi phập phồng khi chuẩn bị đưa con đến trường.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Điền cho biết, năm trước Phong Điền 1.098/11.080 học sinh được miễn và 442 em được giảm một phần học phí do ảnh hưởng môi trường biển, con số này không ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động của nhà trường. Không chỉ vì số học sinh bị ảnh hưởng không nhiều mà vì học phí là khoản thu không lớn so với nhiều khoản cần có cho một đứa trẻ đến trường. Đây cũng là tình hình chung của các huyện bị ảnh hưởng môi trường biển.

Trên thực tế, học phí chỉ là một khoản đóng góp không lớn với phụ huynh ở mọi cấp học. Không tăng học phí có góp phần giảm bớt lo âu cho phụ huynh trước năm học mới hay không chưa phải là vấn đề xã hội quan tâm nhất khi mà nhiều phụ huynh chúng tôi có dịp tiếp xúc cho rằng mức thu học phí thấp. Cái mà họ quan tâm là đằng sau sự bình ổn học phí là những đóng góp ngoài học phí mà mỗi trường, nhất là các trường có bán trú sẽ thực hiện khi bước vào năm học mới cùng với quyết định tăng lương của Chính phủ. Nhiều phụ huynh cho rằng, năm nào họ cũng phải đóng góp rất nhiều khoản xã hội hóa để sửa chữa, nâng cấp CSVC, trang thiết bị trong lớp học và đây là những khoản thu không ổn định. Nhiều người đặt ra câu hỏi, hay là cứ tăng học phí, thống nhất khoản thu để phụ huynh không phải “hồi hộp” trước ngày khai giảng.

Học phí tăng để học sinh được thụ hưởng cơ sở vật chất tốt hơn, chất lượng hoạt động ngoại khóa thống nhất và phụ huynh giảm các mục phụ phí xã hội hóa do trường quy định thì mọi đứa trẻ đến trường sẽ đều bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm, là suy nghĩ và mong muốn của nhiều người.

Bài, ảnh: HƯƠNG GIANG