Cựu chiến binh Phạm Ngọc Tuấn dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn miệt mài đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Tìm đến một căn nhà nhỏ ở cuối hẻm 41 đường Phạm Thị Liên, TP. Huế, tôi gặp ông Phạm Ngọc Tuấn (77 tuổi). Là người con của Hải Phòng, từ những năm 1960 ông Tuấn vào chiến trường Bình - Trị - Thiên, chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 6 Phú Xuân anh hùng. Ông tham gia nhiều trận đánh ở những nơi ác liệt như: Siêu Quần, Vân Trình – Phong Bình; ấp 5 - Mỏ Tàu, động Truồi - Lộc An…

Chiến tranh đã đi qua, anh lính đặc công Phạm Ngọc Tuấn trở về với cuộc sống đời thường với hàm đại úy - Tiểu đoàn trưởng. Năm 1985, ông được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Mang trên mình nhiều vết thương, những cơn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời như nhắc ông về chiến tranh, về những người đồng đội cũ đã nằm lại, như một giấc mơ dài chưa có hồi kết. Vào năm 1993, ông Tuấn mở một tủ bán đồ lặt vặt. Công việc bán hàng ở góc đường Đinh Công Tráng - Đinh Tiên Hoàng giúp ông chứng kiến cảnh nhiều thân nhân liệt sĩ ngược xuôi vất vả tìm mộ phần người thân, càng thôi thúc ông Tuấn đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Hễ nghe được nơi nào có mộ liệt sĩ, ông lại lên đường tìm kiếm. Phần lớn các phần mộ nằm rải rác trên khe đá, thung lũng sâu, núi rừng hiểm trở, đi lại hết sức khó khăn. Trên chiếc xe đạp Thống Nhất cũ với một bi đông nước chè, ông Tuấn lội suối, vượt rừng, băng qua nắng mưa, “màn trời chiếu đất” để tìm đồng đội. Những năm tháng chiến đấu ở địa phương giúp ông nắm vững địa hình, địa vật, thậm chí nhớ các trận đánh ở các đồi, có bao nhiêu người đã hy sinh, đơn vị nào đóng ở đâu. Ông tìm mộ theo nhiều cách. “Ngoài dựa vào trí nhớ của bản thân tôi phải bám dân, nắm nhiều nguồn thông tin từ phía các cựu chiến binh, chính quyền địa phương để xác định chính xác nơi có hài cốt”, ông Tuấn cho hay.

Tiếng lành đồn xa, nhiều thân nhân liệt sĩ tìm đến ông để nhờ cậy. Ông thường nghiên cứu rất kỹ tiểu sử, giấy chứng tử và hình ảnh liệt sĩ được người thân cung cấp để lấy làm căn cứ xác định phương hướng tìm kiếm hài cốt chính xác. Có nhiều gia đình năm lần bảy lượt tìm kiếm bất thành, nhưng nhờ có ông Tuấn nên đã đem được hài cốt người thân trở về. Như ông Nguyễn Văn Trác (Hương Tích, Hà Tây cũ) bốn lần lặn lội vào Huế tìm hài cốt con trai không thấy. Sau nhờ sự nhiệt tình, không quản ngại nắng mưa, gian khó của ông Tuấn, hài cốt liệt sĩ đã được đưa trở về với quê hương.

Nhắc đến công lao của ông Tuấn, không thể thiếu phần bà Đặng Thị Oanh, người vợ hiền nhất mực ủng hộ, động viên chồng trong công cuộc tìm kiếm mộ liệt sĩ. Bà Oanh tâm sự: “Tình đồng chí, đồng đội một thời xông pha trận mạc là động lực, niềm tin và sức mạnh để ông nhà tôi giữ bền chí để vượt suối, băng rừng lên đường. Đưa đồng đội về với quê hương là niềm hạnh phúc lớn nhất của ông”.

Ông cứ thế âm thầm, lặng lẽ với những cuộc hành trình đi tìm đồng đội đầy gian nan và thành quả là những hài cốt liệt sĩ được trở về với người thân trong niềm hạnh phúc vỡ òa cho gia đình và xã hội. Miệt mài trong 24 năm nay, ông đã giúp thân nhân liệt sĩ tìm được 407 bộ hài cốt, đưa họ trở về với quê hương. Những lá thư cảm ơn từ khắp nơi gửi về ông ngày một nhiều hơn khiến niềm hạnh phúc của ông ngày càng vẹn tròn. Tóc đã ngả bạc, khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn nhưng ánh mắt ông vẫn giữ được ý chí sắt thép của người lính Cụ Hồ.  “Còn sống ngày nào, tôi còn tiếp tục kiếm tìm đồng đội ngày ấy”- ông Tuấn quả quyết.

Phước Ly