Trong các vựa phế liệu có những vỏ đạn cối rất nguy hiểm

Hoạt động tự phát

Dạo một vòng quanh khu vực các phường phía bắc TP. Huế, không khó để bắt gặp những điểm thu mua phế liệu chất đống ngổn ngang, mùi hôi bốc lên, lẫn vào không khí rất khó chịu. Điều đáng lo ngại, việc thu mua, buôn bán phế liệu, trong đó có cả vỏ bom đạn sót lại sau chiến tranh; những mặt hàng đủ chủng loại như thùng giấy, nhựa phế thải, túi ni lon, bình gas cũ, các thiết bị điện đã qua sử dụng được chất thành đống lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Hầu hết các cơ sở này chưa được tập huấn kiến thức về PCCC và an toàn cháy nổ, dụng cụ PCCC cũng rất sơ sài, thậm chí không có.

Thiếu tá Chế Công Tân, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1, Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết, hiện trên địa bàn toàn thành phố có hơn 30 cơ sở, hộ gia đình kinh doanh phế liệu, tập trung ở các địa bàn An Hòa, Hương Sơ. Hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn là tự phát. Những người làm nghề này chủ yếu thuê bãi đất hoặc tận dụng bãi đất để làm cơ sở thu mua, lưu giữ, không có quy hoạch mặc dù việc thu gom phế liệu luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường cao. “Nghiêm trọng hơn, nhiều cơ sở thu mua phế liệu nằm trong các ngõ cụt, không có lối thoát, trường hợp có sự cố liên quan đến cháy nổ xảy ra thì rất khó khăn trong việc tiếp cận, xử lý”- Thiếu tá Tân cho biết.

Cảnh sát PCCC chữa cháy một cơ sở phế liệu ở Hương Thủy

Điều 5, Pháp lệnh 16 ngày 30/6/2011 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định cấm kinh doanh vũ khí, bom mìn. Khoản 4, Điều 10, Nghị định 67 cũng quy định mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng về hành vi mua phế liệu, phế phẩm là vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc cưa, tháo bom mìn trái phép.

Tương tự, Hương Thủy được xem là vùng tập trung nhiều cơ sở thu gom phế liệu nhất, với trên 50 vựa phế liệu lớn nhỏ. Trong đó, có nhiều vựa phế liệu nằm bên các tuyến đường lớn đông đúc xe cộ qua lại hoặc nằm giữa các khu nhà liền kề, chỉ cần một mồi lửa hoặc có một tia lửa điện thì các kho chứa hàng này chắc chắn sẽ bị thiêu rụi. Dù các phế liệu bình thường đã tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nhưng nhiều cơ sở vẫn bất chấp để thu mua vỏ các loại bom đạn như vỏ đạn cối, đạn pháo cỡ lớn. Cũng do cơ sở làm công tác PCCC chưa tốt nên đã xảy ra một vài vụ cháy nổ khiến người dân sống trong khu vực bất an.

Mới đây nhất vào chiều 30/5/2017, một vụ cháy bất ngờ bùng phát tại bãi phế liệu tự phát ở đường Nguyễn Tất Thành, phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy thiêu rụi toàn bộ cơ sở. Chủ cơ sở là bà Võ Thị Y. trước đó đã từng bị Cảnh sát PCCC tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm an toàn PCCC. Tuy nhiên, do khối lượng hàng hóa quá nhiều, diện tích kho nhỏ nên bà Y. đã tự ý cho tập kết hàng hóa phế liệu tự phát tại bãi đất rộng khoảng 100m2 của gia đình và đã xảy ra cháy gây thiệt hại hàng chục triệu đồng, làm cả khu dân cư hoảng loạn.

Cần có quy hoạch

Nghiêm cấm thu mua bom, mìn

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, Bộ Công an đã có văn bản gửi Công an các địa phương tiếp tục tuyên truyền về mối nguy hiểm tiềm ẩn của vũ khí, vật liệu nổ, bom mìn và rà soát toàn bộ cơ sở kinh doanh phế liệu để tuyên truyền cho người kinh doanh hiểu mức độ nguy hiểm để phòng tránh. Khi người dân thu mua phát hiện có bom mìn phải báo với cơ quan Công an, Quân đội để thu hồi; qua rà soát, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Thái Sơn (ghi)

Thống kê chưa đầy đủ của Cảnh sát PCCC tỉnh, trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 10 vụ cháy các cơ sở kinh doanh phế liệu. Một đặc điểm chung rút ra từ các vụ cháy tại cơ sở phế liệu là khi xảy ra cháy nổ thì rất khó dập tắt. Dù lực lượng PCCC đã triển khai chữa cháy khá sớm nhưng vẫn không thể cứu vãn được vì những loại nguyên liệu chứa bên trong toàn là chất dễ cháy. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Phó phòng Chỉ đạo, hướng dẫn về PCCC thuộc Cảnh sát PCCC tỉnh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cháy xảy ra tại các cơ sở phế liệu chủ yếu là do ý thức PCCC của các hộ kinh doanh chưa cao. Việc PCCC tại chỗ là hết sức quan trọng, lực lượng chức năng địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn nữa để hạn chế nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh phế liệu phải đáp ứng được những yêu cầu như: Có giấy phép kinh doanh, giấy cam kết bảo vệ môi trường, trang bị đầy đủ hệ thống phòng, chống cháy nổ... Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn các cơ sở đều hoạt động một cách tự phát, thường nằm lẫn trong các khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, nhất là trong mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng phòng Quản lý đô thị TX. Hương Thủy cho biết, hiện UBND TX Hương Thủy đang thí điểm xây dựng một khu tập trung xa khu vực dân cư nhằm di dời các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm (chủ yếu là các vựa phế liệu trong khu dân cư) ra đó. Khu vực này có diện tích khá lớn, đủ cho khoảng 50 cơ sở. Trước mắt, các hộ kinh doanh phế liệu ở phường Thủy Châu sẽ di dời ra đó. UBND TX. Hương Thủy sẽ rút kinh nghiệm từ mô hình này, tiến đến sẽ xây dựng thêm các khu tập trung khác nhằm di dời tất cả các cơ sở ra khỏi khu dân cư.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh cho rằng, để bảo đảm an toàn cho các cơ sở kinh doanh thu mua phế liệu cũng như những khu dân cư liền kề, về lâu dài chính quyền các địa phương cần quan tâm quy hoạch các cơ sở thu mua phế liệu phù hợp với điều kiện từng vùng. Kiên quyết di dời các cơ sở thu mua phế liệu ra khỏi khu dân cư để đề phòng cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Trước mắt, cần tiến hành rà soát các điểm tập kết phế liệu trên địa bàn; yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng nhà xưởng, kho bãi đáp ứng yêu cầu an toàn về PCCC theo đúng quy định.

Bài, ảnh: THANH TÂM