Kình ngư Nguyễn Thị Anh Viên là vận động viên ấn tượng nhất của thể thao Việt Nam ở SEA Games 29. Ảnh: Internet

Chỉ là “ao làng” nhưng để khẳng định vị thế, thể thao Việt Nam đã mất hàng chục năm ròng. Lần đầu thể thao miền Nam Việt Nam tham dự SEA Games là vào năm 1959 và xếp ở vị thứ 5/6. Đến 15 năm sau vào năm 1973, thành tích của thể thao miền Nam cũng chẳng có chi thay đổi khi xếp hạng 6/7 quốc gia tham dự. Sau ngày thống nhất, Việt Nam chính thức tham dự SEA Games vào năm 1989 và đạt thứ hạng khiêm tốn, 7/9 nước tham gia. Cần tới 12 năm, tại SEA Games 2011, Việt Nam mới lọt được vào top 4 nước dẫn đầu và 2 năm sau đó, khi là chủ nhà, lần đầu tiên vươn lên vị trí số 1.

Ngồi ở vị trí “chiếu trên” nhưng thể thao Việt Nam vẫn chưa thật sự hài lòng khi thường xuyên bị lép vế trước kỳ phùng địch thủ Thái Lan. Đáng nói hơn là gần đây, khoảng cách 40 tấm huy chương các loại ở SEA Games 27 đã lên tới trên 60 huy chương trong kỳ SEA Games 28. Bóng đá, đặc biệt là bóng đá nam không chỉ bị Thái Lan "cuỗm" mất huy chương vàng ở kỳ SEA Games mới đây nhất mà còn bị Myanmar cho “ngửi khói”. Cũng ở 2 kỳ SEA Games, Việt Nam phải xếp dưới Myanmar và Singapore trên bảng tổng sắp. Chưa kể, Malaysia, Indonesia hay Philippines luôn sẵn sàng cho cuộc “lật đổ” các ngôi vị hàng đầu.

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến ngày khai cuộc SEA Games 29. Thể thao Việt Nam đã tỏ rõ quyết tâm lớn ở sân chơi “ao làng”. Đầu tiên là việc cử một đoàn thể thao vào loại hùng hậu nhất với 693 thành viên tham dự, tăng 123 thành viên so với kỳ gần đây nhất, trong đó lực lượng vận động viên tăng 84 người. Dồn sức cho tập luyện, V-League 2007 được cho nghỉ luôn 2 tháng để các cầu thủ trong đội tuyển dự SEA Games 29 tập trung rèn giũa, quyết đổi màu tấm huy chương. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên được tạo điều kiện thường xuyên tập huấn ở nước ngoài cho mục tiêu cao hơn ở tầm châu lục cũng được gọi về chuẩn bị tham dự SEA Games 29, phấn đấu đạt cho được 10 tấm huy chương vàng, giữ vững danh hiệu vận động viên tiêu biểu mà chị từng có cách nay 2 năm.

Dẫu chỉ là “ao làng” nhưng SEA Games cũng là đấu trường để các địa phương trong cả nước tỏ rõ sức mạnh của mình. Dù còn rất ít ỏi nhưng Thừa Thiên Huế có thể tự hào với các tên tuổi, như Hoàng Thị Bảo Trâm, Như Ý, Kim Phụng (cờ vua), Đỗ Thị Bông (điền kinh), Bùi Tiến Thành, Hà Kiều Trang (Karatedo), Trần Thị Thuận (bơi lội), Lê Đức Anh Tuấn hay Lê Văn Trương (bóng đá)... tại đấu trường này. Ở SEA Games 29, đại diện cho Thừa Thiên Huế là 2 gương mặt Trần Thị Yến Hoa (điền kinh) và Lê Minh Thuận (Karatedo). Cả hai đều có hy vọng giành được huy chương.

Hai tượng đài của thể thao Việt Nam là Trần Hiếu Ngân và Hoàng Xuân Vinh trước khi bước lên vũ đài thế giới đã được biết đến bởi những thành tích ở “ao làng” SEA Games. Huy chương vàng bắn súng Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh từng 6 kỳ liên tiếp từ năm 2001 đến 2011 đoạt ít nhất 1 huy chương vàng ở các kỳ SEA Games. Còn huy chương bạc Teakwondo Olympic 2000 Trần Hiếu Ngân cũng đã đoạt huy chương vàng SEA Games 1995 và sau đó là tấm huy chương đồng SEA Games năm 1998. Nhắc đến 2 tượng đài thể thao đẳng cấp quốc tế của thể thao Việt Nam đã thấy rằng, để hội nhập “sông lớn” châu lục và vươn ra “biển cả” thế giới, trước hết phải biết cách vượt qua "ao làng".    

ĐAN DUY