Năm học  2017-2018 vẫn giữ mức học phí chung như năm học 2016- 2017

Ổn định mức thu học phí

Theo giải trình của UBND tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng của 4 tháng đầu năm 2017 tăng dưới 5% so với năm trước (CPI 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,8% so cùng kỳ năm 2016 và tăng 0,9% so với tháng 12/2016) cho thấy thu nhập của phần lớn người dân chưa cao, nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển nên để đảm bảo an sinh xã hội, UBND tỉnh đề xuất mức thu học phí của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh năm học 2017-2018 bằng mức thu học phí của năm 2016- 2017.

Mức thu học phí ở cơ sở giáo dục thường xuyên sẽ áp dụng mức thu tương ứng của từng cấp học và từng khu vực của trường phổ thông công lập trên địa bàn. Đối với hệ thống trường chất lượng cao, mức học phí tăng không quá 20% so với mức thu chương trình đại trà của các trường công lập cùng cấp, bậc trên cùng địa bàn.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2016-2017, với khoảng 70 tỉ đồng thu từ học phí (chiếm 3,08 % trong tổng kinh phí đầu tư cho giáo dục), đã góp phần bổ sung kinh phí cho các hoạt động sự nghiệp giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và bổ sung nguồn kinh phí cải cách tiền lương theo lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Tăng giá dịch vụ y tế để nâng cao chất lượng phục vụ

Một số dịch vụ y tế theo yêu cầu được điều chỉnh

Theo tờ trình của UBND tỉnh, hiện nay, mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT tại các cơ sở y tế công lập do tỉnh quản lý đang được áp dụng theo Quyết định số 41/2012/QĐ-UBND ngày 21/12/2012 của UBND tỉnh không còn phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng được các yêu cầu phát triển ngày càng cao của các dịch vụ kỹ thuật y tế, phương pháp điều trị ngày càng hiện đại và các chi phí để đảm bảo hoạt động của bệnh viện.

Ngày 15/3/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp (có hiệu lực từ ngày 1/6/2017), nhằm mục đích tạo sự công bằng trong khám bệnh chữa bệnh giữa người có thẻ và người dân không có thẻ BHYT, khuyến khích người dân tham gia BHYT.

Vì vậy, việc điều chỉnh mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh; phù hợp với mặt bằng chung giá thị trường theo quy định của Luật Giá và thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh trên toàn tỉnh; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cũng như thực hiện chủ trương xã hội hoá trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh.

Để bình đẳng về giá, không phân biệt về giá giữa khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh không có thẻ BHYT và người bệnh có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và căn cứ nguyên tắc định giá của Nhà nước đảm bảo bù đắp chi phí hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá thị trường quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật giá. UBND tỉnh đề xuất mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cụ thể áp dụng bằng mức tối đa khung giá quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế.

Theo đó, mức giá của 3 nhóm dịch vụ có mức điều chỉnh tăng: Nhóm dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tăng khoảng từ 3 - 5 lần (có 10 dịch vụ khám bệnh kiểm tra sức khỏe); nhóm dịch vụ ngày giường điều trị tăng khoảng 3 - 5 lần (có 5 dịch vụ ngày giường điều trị); nhóm các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tăng khoảng 1 - 1,4 lần (có 1.916 dịch vụ kỷ thuật và xét nghiệm).

Theo ông Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế thì việc điều chỉnh mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT nói trên sẽ tác động không lớn đến người dân không có BHYT. Bởi, toàn tỉnh đã có hơn 93% người dân tham gia BHYT, mặt khác mức giá dịch vụ y tế đề nghị điều chỉnh bằng mức giá Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC hiện đang áp dụng cho đối tượng có BHYT.

Căn cứ theo các quy định mới của Bộ Y tế, các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh là mức áp giá tối đa các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, nâng cao khả năng hoạt động, quản lý trong công tác khám, chữa bệnh; đồng thời, thúc đẩy người dân tham gia BHYT để được hưởng những quyền lợi thiết thực về chăm sóc sức khỏe của Nhà nước.

Do vậy, việc điều chỉnh mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế nói trên sẽ tác động không lớn đến người dân không có bảo hiểm y tế.

Khuyến khích đi làm việc ở nước ngoài

Với mục tiêu là đẩy mạnh việc đưa lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và kỹ năng, tác phong nghề nghiệp của người lao động góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Giai đoạn 2017 - 2020, phấn đấu đưa 2.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó, có ít nhất 300 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng. Tổng kinh phí thực hiện 23,560 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 10,800 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 12,760 tỷ đồng.

Người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh đăng ký đi xuất khẩu lao động nếu có nhu cầu được vay vốn tín chấp tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh với mức vay tối đa 50 triệu đồng/người theo lãi suất cho vay hộ nghèo do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ. Riêng các đối tượng người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi xuất khẩu lao động theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.

Chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với người bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được thực hiện theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành từ nguồn kinh phí bồi thường do sự cố môi trường biển.

Những lao động gặp rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ giải quyết rủi ro theo mức quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Các đại biểu HĐND cho rằng, việc hỗ trợ người lao động đi lao động ở nước ngoài chủ yếu theo quy định của Trung ương. Để khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đây không chỉ góp phần giải quyết việc làm mà còn góp phần tăng thu nhập cho cả hộ gia đình. Vì vậy, khi Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh việc tuyên truyền, thúc đẩy các đối tượng chính sách tham gia xuất khẩu lao động; đặc biệt ngoài các chính sách nêu trên, đề nghị tỉnh nên xem xét bổ sung thêm chính sách khuyến khích người đi xuất khẩu lao động với mức hỗ trợ một lần tối thiểu 1 triệu đồng/người.

Bài, ảnh: Thái Bình