Philippines, quốc gia từng bị siêu bão Haiyan tàn phá hồi năm 2013, nằm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các sự kiện thời tiết cực đoan trên thế giới. Ảnh: AFP 

Một báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam cho thấy, tăng trưởng và an ninh của khu vực trong tương lai, cũng như phúc lợi của hàng trăm triệu người đang bị đe dọa.

Ông Bambang Susantono, Phó chủ tịch của ADB về phát triển bền vững cho hay: "Các quốc gia ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang đối mặt với nguy cơ lao sâu hơn vào đói nghèo và thiên tai, nếu nỗ lực giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu không được triển khai nhanh chóng và mạnh mẽ”.

Thỏa thuận Paris năm 2015 mang tính bước ngoặc bắt đầu có hiệu lực vào tháng 11/2016, cam kết hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu trung bình từ 1,5 đến 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Báo cáo cho biết thêm, các biện pháp sớm và mạnh mẽ là cần thiết để đạt được mục tiêu đó. 

Mối đe dọa

Nếu thế giới tiếp tục phát thải khí nhà kính làm hành tinh nóng lên như hiện nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng hơn 4 độ C vào cuối thế kỷ này. Đáng chú ý, một số khu vực của châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng đến 6 độ C.

Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và khu vực phía tây bắc Trung Quốc có thể gặp điều kiện khí hậu nóng hơn, với nhiệt độ tăng lên 8 độ C.

Bản báo cáo nhận định, điều này sẽ mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong thời tiết, đa dạng sinh học, nông nghiệp và thủy sản của khu vực và thúc đẩy việc di cư trong bối cảnh một số khu vực khó có thể sinh sống.

"Một kịch bản như vậy có thể đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với một số quốc gia trong khu vực, dập tan hy vọng đạt được sự phát triển bền vững và hòa nhập”, ADB nói trong một tuyên bố.

Châu Á-Thái Bình Dương là nơi sinh sống của 2/3 dân số thế giới và 9 trên 15 quốc gia được xếp hạng là dễ bị tổn thương bởi thiên tai nhất thế giới.

Hàng triệu người dân ở khu vực Nam Á đang bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ tăng cao. Mặc dù tăng trưởng kinh tế ấn tượng, số liệu từ Liên Hiệp quốc (LHQ) cho thấy, 1 trên 10 người dân châu Á vẫn còn sống trong cảnh đói nghèo cùng cực.

Cũng theo báo cáo nói trên, các khoản đầu tư để nhanh chóng chuyển đổi nền kinh tế châu Á sang con đường các-bon thấp phải trở thành ưu tiên cao, bởi thập kỷ tới là thời gian cốt yếu để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Nhiều quốc gia trong khu vực vẫn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hoá thạch. ADB nói rằng, họ sẽ đầu tư 4 tỷ USD để thúc đẩy nguồn cung năng lượng tái tạo và tăng trưởng xanh trong khu vực đến năm 2020.

Lê Thảo (Lược dịch từ Straitstimes & AFP)