Đây là cơ hội nhằm tạo ra chuỗi liên kết vùng và giao thương trao đổi hàng hóa góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển...

Sản phẩm gạo Hương Cốm của HTX Thủy Thanh được nhiều khách hàng lựa chọn 

Đa dạng các sản phẩm

Dù đã hơn chục lần đưa sản phẩm ra trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ ở Huế, song lần nào cơ sở sản xuất đặc sản Phương Nga ở tỉnh Bình Định cũng chuẩn bị cả tháng trời mới đủ số lượng sản phẩm để phục vụ khách.

Là gian hàng giới thiệu các loại đặc sản như, bánh tráng, bánh gạo lứt, kẹo dừa, bánh pía…, mỗi ngày đêm, doanh số bán hàng của cơ sở đạt trên 10 triệu đồng, đây là con số bán lẻ cả tháng ở quê.

Chủ cơ sở, bà Huỳnh Thị Tuyết Nga lý giải: “Huế là thị trường bán lẻ tiềm năng, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng các vùng miền rất hút khách. Qua 4 ngày hội chợ, cơ sở đã tiêu thụ trên 500kg sản phẩm các loại, doanh số bán hàng đạt trên 40 triệu đồng. Hiện, các nhân viên ở Bình Định đang tiếp tục vận chuyển hàng ra Huế để phục vụ khách trong những ngày tới”.

Khác với chị Nga, HTX SX-TM-DV Nông nghiệp Tiêu Chư Sê ở tỉnh Gia Lai đến với hội chợ lần này không chỉ vì mục đích bán hàng, mà quan trọng là quảng bá sản phẩm mới và tìm đối tác để cung ứng hàng và đặt đại lý tại các tỉnh miền Trung. “Với các sản phẩm như, mật ong, hồ tiêu, cà phê, hạt tiêu dài…, HTX mong muốn tìm đối tác để nhập số lượng lớn, đồng thời tìm đại lý phân phối tại thị trường các tỉnh như, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Sau 4 ngày trưng bày ở hội chợ cũng như tham gia hội nghị hợp tác phát triển thị trường, HTX đã tìm được đại lý ở Huế, đồng thời liên kết với hai siêu thị Big C, Co.opMart chuẩn bị các thủ tục đưa hàng vào cung ứng ở đây”, Trưởng phòng kinh doanh, Nguyễn Văn Đông chia sẻ.

Là đơn vị chủ nhà nên gần 100 cơ sở CNNTTB ở Huế đã tranh thủ cơ hội trưng bày sản phẩm đặc trưng của vùng Cố đô như, áo dài, tinh dầu tràm, gia vị nấu món bún bò Huế, mộc mỹ nghệ, diều, tranh thêu, rượu Ô lâu, nước mắm… Các cơ sở không chỉ quảng bá, trưng bày giới thiệu sản phẩm mà còn tổ chức thao diễn các nghề truyền thống như, dệt zèng, thêu tranh, may áo dài, làm diều Huế, đàn ghita nhằm tạo ra một không gian văn hóa ấn tượng phục vụ du khách.

Vượt gần 100 cây số đến Huế tham quan hội chợ, chị Nguyễn Thị Hòa ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) không phí công khi mang về nhiều đặc sản của các vùng miền như, bơ sáp Đắc Lắc, kẹo dừa Bến Tre, đường Thốt nốt An Giang, cà phê Gia Lai… “Giá các sản phẩm bán tại hội chợ có giảm so với trên thị trường. Trước khi quyết định mua hàng, các cơ sở đều có sẵn mẫu thử nên khá tiện lợi”, chị Hòa lý giải.

Gian hàng đặc sản Bình Định có doanh số bán hàng trên 10 triệu đồng/ngày

Hợp tác phát triển thị trường

Diễn ra từ ngày 11 - 17/7, Hội chợ hàng CNNTTB khu vực miền Trung- Tây nguyên không chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm mà còn là nơi hợp tác phát triển thị trường các sản phẩm CNNT các tỉnh, thành trong khu vực và một số địa phương trong cả nước. Sản phẩm trưng bày tại hội chợ thuộc các ngành nghề và làng nghề thủ công truyền thống, như: thủ công mỹ nghệ; nông sản, thực phẩm chế biến truyền thống, thực phẩm công nghệ; vật tư, vật liệu xây dựng, sản phẩm hàng hóa khác phục vụ nông nghiệp nông thôn; hàng tiêu dùng và dịch vụ viễn thông…

Nhiều cơ sở mộc mỹ nghệ từ các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Khánh Hòa hay các làng nghề Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc đã vượt hàng ngàn cây số mang hàng hóa  phục vụ nười dân. Tại hội chợ, nhiều du khách đã chen chân để ngắm bộ bàn ghế gỗ đỏ thiết kế công phu từ thân cây, gốc rễ với giá 72 triệu đồng. “Để có những sản phẩm độc, lạ trưng bày tại hội chợ, cơ sở phải chuẩn bị cả mấy tháng trời. Những bộ bán ghế sản xuất từ gốc cây hay bệ võng, tượng phật làm từ các loại gỗ đổi màu vận chuyển từ Ninh Thuận ra Huế rất khó khăn, chi phí nhiều. Cơ sở đã chi gần 30 triệu để vận chuyển hàng đến Huế với hy vọng sẽ ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ”, chủ cơ sở Nguyễn Xuân Thạnh cho hay.

Nhiều cơ sở đã mang theo máy làm bánh đến hội chợ để kịp phục vụ khách

Giám đốc Sở Công thương, Phó Trưởng ban tổ chức hội chợ, ông Nguyễn Thanh khẳng định: “Mục đích lớn nhất của hội chợ là giúp các cơ sở tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định sản xuất. Mặt khác, với quy mô trên 400 gian hàng của 200 DN cùng với sự có mặt của các tập đoàn, nhà phân phối lớn đến từ các tỉnh, thành trong cả nước, các cơ sở tham gia trưng bày sản phẩm tại hội chợ sẽ có cơ hội tìm kiếm đối tác để cung ứng sản phẩm lâu dài, đồng thời tìm hiểu các quy trình, thủ tục để tiến tới đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị lớn, tạo ra mối liên kết thương mại giữa các nhà sản xuất với các DN, các nhà đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển”

Theo ban tổ chức, qua 5 ngày diễn ra, hội chợ đã thu hút trên 30 ngàn lượt khách đến tham quan và mua sắm, doanh số bán hàng của các cơ sở đạt trên 10 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Thanh Hương