Xếp hết số gạo và các phần quà lên xe, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phong Hải (Phong Điền) phân chia nhau về thăm các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đơn vị đóng quân.

Thăm hỏi và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tất ở xã Điền Hương (Phong Điền)

Theo chân một tổ công tác, chúng tôi đến thăm gia đình các mẹ Nguyễn Thị Cầu ở xã Điền Hòa và mẹ Lê Thị Tất ở xã Điền Hương (Phong Điền) - hai Mẹ Việt Nam Anh hùng được đơn vị nhận chăm sóc. Dừng tay quét dọn sân vườn để tiếp khách, mẹ Nguyễn Thị Cầu bảo: “Những ngày này nhà mẹ khi nào cũng đông khách, rất vui. Ngoài được tặng quà, mẹ còn được giúp sửa sang nhà cửa, khám bệnh…”.

Trung tá Nguyễn Trung Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phong Hải cho biết: Đơn vị quản lý địa bàn gồm 7 xã thuộc 2 huyện Quảng Điền và Phong Điền, là những địa phương có truyền thống cách mạng, có đóng góp rất lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trên địa bàn đồn quản lý có 482 gia đình chính sách. Trong đó, có 303 liệt sĩ, 56 thương binh, 89 người có công với cách mạng, 23 người bị tù đày và có 11 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng (2 mẹ hiện còn sống). Nhiều  năm qua, đơn vị luôn chú trọng công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về ý nghĩa cao đẹp của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, nhất là giúp đỡ gia đình chính sách phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống…

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Đồn Biên phòng Phong Hải tổ chức nhiều hoạt động như: mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia ít nhất 1 tin nhắn “tri ân liệt sĩ”, đóng góp một ngày lương vào “quỹ đền ơn đáp nghĩa”; nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện gia đình chính sách; phối hợp với các ban ngành, địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có công trên địa bàn…

Cùng với Đồn Biên phòng Phong Hải, các đơn vị trên hai tuyến biên giới tích cực tham gia thực hiện chương trình xây “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội” tặng gia đình chính sách do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động. Điển hình như khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh ở xã A Đớt (A Lưới) trị giá 70 triệu đồng; sửa chữa nhà tình nghĩa cho gia đình Thiếu tá Trần Văn Đức ở Đồn Biên phòng Vinh Hiền (con liệt sĩ) trị giá 70 triệu đồng; xây dựng “Ngôi nhà 100 đồng” cho Thiếu úy Võ Văn Vinh, Đội phó Vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt trị giá 50 triệu đồng… Ngoài ra, các đơn vị vận động cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng tham gia đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với tổng số tiền hơn 130 triệu đồng.

Mỗi bữa ăn, các cán bộ, chiến sĩ còn trích một phần gạo trong khẩu phần để giúp đỡ các gia đình chính sách. Với cách làm này, các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên hai tuyến biên giới được các đơn vị hỗ trợ từ 15-20kg gạo/tháng.

Theo Đại tá Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh, để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đi vào chiều sâu, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đồng bộ và xác định rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu gương người cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu đơn vị.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, BĐBP tỉnh tổ chức nhiều chương trình như: “Áo ấm tặng thương, bệnh binh nặng”, “Áo lụa tặng Mẹ” và tiến hành xây mới 5 ngôi nhà tình nghĩa, nhà đồng đội  cho các gia đình chính sách, với tổng trị giá gần 500 triệu đồng.

Bài, ảnh: Bá Trí