Quyến rũ Hải Dương

Biển xanh

Từ Huế về biển Hải Dương chừng 20km, đường nhựa và bê tông, chạy ô tô mất chưa đầy 1 tiếng đồng hồ. Tưởng chừng như hoang sơ, hóa ra bãi biển đã được khai thác mấy năm nay rồi. Chọn một vị trí đẹp là một nhà chồ dựng trên bãi đá, có tên gọi nhà chồ “Đá 4 chân”, chúng tôi có thể quan sát cả một dải bờ biển dài nước trong xanh, sạch sẽ.

Nhìn biển nước trong xanh không một ai kìm chế được cảm xúc. Cả đoàn nhảy ào xuống biển, nước mát lạnh, biển không sâu, không có độ xoáy nên mọi người tha hồ tắm, nhất là lũ trẻ con, chúng thoải mái bơi lội cùng với cha mẹ. Ở phía bên kia, từng nhóm người sau khi tắm xong lại ghé lên bãi đá ngồi thư giãn, có người mải mê tìm những góc nhìn đẹp nhất để chụp ảnh, ai nấy đều cảm thấy hài lòng với khung cảnh bãi biển đẹp tuyệt vời này.

Để có được bãi biển đẹp như hôm nay cả là một hành trình gian nan vất vả và tốn kém. Nhớ cơn lũ lịch sử năm 1999, biển Hải Dương bị xâm thực nặng nề, nhiều nhà cửa của người dân bị biển nhấn chìm, cuốn trôi. Để ổn định cuộc sống cho người dân trước nạn biển xâm thực, UBND tỉnh đã triển khai dự án di dời, tái định cư các hộ dân, đầu tư xây dựng bờ kè đá dọc bờ biển. Từ đó, bãi biển Hải Dương vừa không còn bị xâm thực mà còn tạo ra một phong cảnh đẹp khi đá chồng đá dọc một bờ biển dài, thu hút rất nhiều du khách đến đây tắm biển, ngắm cảnh và chụp ảnh.

Hài lòng dịch vụ

Lướt qua một vòng trên bờ, có hơn vài chục nhà chồ của các quán ăn dựng lên nhưng tất cả đều kín khách. Du khách về đây thường buổi trưa và ra về khi tối muộn, trong đó có cả khách ngoại tỉnh đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị… Theo chủ quán Phương Ngọc cho biết, do thực phẩm đều tươi sống, giá cả phải chăng, không thu phụ phí các nhà chồ nên hầu hết khách đặt ăn tại biển (rất ít người mang theo thức ăn được chuẩn bị tại nhà về đây). Lần đầu tiên đến đây, để chắc ăn, chúng tôi gọi chủ quán và hỏi từng món ăn được kê trong thực đơn, thấy giá cả khá rẻ (so với những nơi khác), đoàn chúng tôi đặt rất nhiều món ăn nào là ghẹ, mực một nắng, tôm, cá mú… Đặc biệt, có một món cá nướng mới toanh được gọi là cá doái - nghe đâu chỉ có ở Hải Dương do chủ quán gợi ý với giá 100.000đ/con, chúng tôi gọi ăn thử, hóa ra rất ngon.

Nhiều hộ kinh doanh cho hay: “Trước đây, mọi người ít biết đến biển Hải Dương, người ta chủ yếu đi các bãi biển quen thuộc, như Thuận An, Phú Thuận, Cảnh Dương, Lăng Cô… Song qua thời gian, do chúng tôi làm ăn đàng hoàng với phương châm khách hàng là thượng đế, lãi ít nhưng bán được số lượng nhiều và quan trọng nhất hải sản luôn tươi sống. Từ đó, tiếng lành đồn xa, du khách ngày đến đây một đông đã giúp cho người dân nơi đây có việc làm ăn, tăng thu nhập”.

Để tạo cảnh quan, đảm bảo môi trường biển thông thoáng, kinh doanh có nề nếp, UBND xã Hải Dương đã yêu cầu những chủ quán bán hàng ăn ở đây tự giác tháo dỡ các nhà chồ dựng trên bãi đá, đồng thời tiến hành quy hoạch sắp xếp lại các hộ kinh doanh để giúp cho biển Hải Dương phát triển một cách bền vững. Hy vọng, Hải Dương sẽ đón được lượng khách lớn hơn, vừa góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương và hơn nữa, sẽ tạo thêm điểm đến mới cho du khách gần xa khi đến Huế tham quan du lịch.

Bài, ảnh: Trọng Hoàng