Điều đáng nói thực trạng này không chỉ riêng ở Thừa Thiên Huế mà đang tồn tại ở khắp các tỉnh thành cả nước. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây cho thấy, tổng số giáo viên công lập ở một số môn, lĩnh vực dôi dư là 26.750 người; đồng thời, ngược lại, tính theo số môn học, lĩnh vực hoạt động, tổng số giáo viên công lập còn thiếu là 45.058 người. Theo đánh giá, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên chủ yếu từ nguyên nhân khách quan như biến động dân số, di cư, đô thị hóa... khiến số lượng học sinh các bậc học thay đổi; trong lúc công tác quản lý, điều chuyển giáo viên chưa đáp ứng kịp thời.

Công bằng mà nói, vấn đề thừa thiếu giáo viên ở các cấp học hiện nay chỉ là hiện tượng nhất thời. Nhiều người cho rằng, nếu được “thiếu” thì may, còn cơ hội cho sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường xin được việc làm. Con số đưa ra tại Hội thảo khoa học Quốc gia đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay công bố, tính đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp. Con số trên có thể thấy rõ việc đào tạo sư phạm hiện đang bộc lộ bất cập khi số lượng đào tạo vượt quá nhu cầu sử dụng.

Không chỉ trong lĩnh vực sư phạm, việc cử nhân ở các chuyên ngành khác ra trường không tìm được việc làm đang ở mức báo động. Số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây cho biết, cả nước có trên 200.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Nhiều cử nhân, thạc sĩ đã phải chấp nhận làm trái ngành được đào tạo, thậm chí có những công việc đơn giản, không yêu cầu bằng cấp. Trong khi đó, nhiều địa phương, các khu công nghiệp, nhà máy lại đang thiếu trầm trọng nguồn lao động chất lượng cao, đặc biệt là trong các ngành công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, du lịch… Nguyên nhân chính vẫn là công tác đào tạo ở các trường đại học đang chạy theo chỉ tiêu, số lượng mà chưa  quan tâm đến nhu cầu việc làm của xã hội. Bên cạnh đó, tâm lý muốn có được tấm bằng cử nhân, muốn làm thầy không muốn làm thợ… đang còn nặng nề với nhiều phụ huynh, học sinh.

Vấn đề cử nhân, thạc sĩ ra trường không tìm được việc làm đã được quan tâm, khuyến cáo nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa được cải thiện là bao. Quy chế tuyển sinh đại học năm nay về việc không giới hạn số nguyện vọng đối với một thí sinh; có thể điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm… cũng khiến cho nhiều người phân vân, vì cơ hội trúng tuyển vào đại học sẽ rất cao và điệp khúc “thừa thầy thiếu thợ” vẫn cứ tiếp diễn…

Việc thừa, thiếu giáo viên trong sự tương quan giữa các vùng, các cấp học có thể từng bước sắp xếp hợp lý. Song, sự thừa, thiếu nhân lực trong xã hội đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, từ việc đổi mới, cơ cấu lại ngành nghề đào tạo tại các trường đào tạo, tăng cường quản lý nhà nước về công tác tuyển sinh; cũng như làm tốt công tác hướng nghiệp, để sinh viên ra trường dễ dàng tìm kiếm việc làm, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đặng Thành