Các thành phần chế biến món xị đạt

Chọn Huế sau 8 năm ở Lào

Chủ quán là chị Đặng Thị Phúc mới ngoài 30 tuổi, gốc ở Lao Bảo (Quảng Trị). Hơn 10 năm trước, Phúc là sinh viên ở Trường đại học Khoa học Huế. Ra trường, theo tiếng gọi tình yêu của chàng trai cùng quê rồi cùng nhau sang Lào mưu sinh. Ngày đầu đôi vợ chồng trẻ ở tỉnh Champasac, lam lũ ai thuê gì làm nấy. Sau đó, họ được bạn bè đồng hương hỗ trợ đưa đến định cư ở thị trấn Sê nô, tỉnh Savannakhet. Nơi đất mới, anh đi làm thuê các xưởng gỗ. Do chồng siêng năng thật thà nên được chủ xưởng thương, hỗ trợ việc làm ổn định. Còn chị chân yếu tay mềm, ngoài lo việc bếp núc gia đình, rảnh rỗi xin đến phụ giúp các quán ăn, nhà hàng trong khu vực. Làm rồi quen, chị Phúc tinh tường cách chế biến các món ăn Lào từ bình dân đến cao cấp. Sau đó chị chung vốn với bạn mở quán ăn ở thị trấn Sê nô này. Chị Phúc nói, chuyện ăn uống ở Lào là một phần hồn của văn hóa Lào, rất sinh động, rất phong phú. Bởi vậy, muốn quán đông khách không chỉ dựa vào cách chế biến món ăn mà từ chủ đến nhân viên luôn thể hiện rõ sự thiện cảm, lời lẽ, giao tiếp ứng xử luôn đặt lên hàng đầu. Đó là phương châm sống và kinh nghiệm làm ăn ở thị trấn Sê nô trong suốt thời gian dài của chị Phúc, được nhiều người thương, khách mến.

Tạo nên một thương hiệu cho quán Savannakhet trên đất Huế như hôm nay là một quá trình gian nan của chị Phúc. Sau hơn 8 năm sống ở Lào, đầu năm 2016, chị bàn với chồng trở về, chọn Huế để mở quán ẩm thực Lào. Theo chị Phúc, đất Huế là nơi chị có nhiều cảm xúc từ thời sinh viên và có điều kiện để ẩm thực Lào hội nhập, níu lòng du khách gần xa. Quyết định của chị làm vợ chồng không ít lần “canh không lành, cơm không ngọt”. Về Huế không lâu, chị vay tiền anh em, bạn bè thuê mặt bằng mở quán ở đường Phan Chu Trinh với biển hiệu Savannakhet. Ban đầu chị lo lắng là quán ăn Lào ở Huế làm sao cạnh tranh, thu hút được thực khách Việt thưởng thức giữa lòng Cố đô Huế quá nổi tiếng với các món ăn truyền thống. Món ăn Lào chủ đạo là món nướng, vốn ít dùng trong ẩm thực của người Việt. Tự tin với sự khéo tay, sáng tạo trong việc chế biến ẩm thực Lào của chị, quán Savannakhet đã thu hút đông khách. Tháng 11 /2016, quán Savanakhet chuyển đến 227 Phan Bội Châu, TP. Huế vì địa chỉ cũ không còn phù hợp do lượng khách ra vào hàng ngày đông hơn.

Hội tụ tinh hoa các món ăn

Không gian quán Savannakhet thoáng rộng, với hơn 20 bàn luôn đông khách vào tầm chiều và tối. Khách đến đây không chỉ cảm nhận được nét bày trí đậm văn hóa Lào mà còn thoải mái thưởng thức hơn 20 món ăn của Lào vừa ngon và rẻ trong tiếng dập dìu của điệu Lămvông, Bunxa...

Trong thực đơn tại quán Savannakhet, món xị đạt (lẩu nướng) được xem món độc đáo nhất. Với giá 140 nghìn đồng/lẩu cho 4 người ăn, gồm thịt ba chỉ thái mỏng ướp trứng gà nướng xổi với mỡ heo. Thứ này ăn cùng với nước dùng kèm mì, miến Lào và các loại rau, gia vị của Lào. Ngoài xị đạt, còn có gà nướng xiên, lạp (được chế biến từ thịt bò nướng rồi băm nhỏ, trộn với sả, hành...); trứng nướng; dồi heo nướng; bò nướng; bò khô, heo nướng bản... Tất cả các món ăn này được dùng kèm với xôi om dẻo thơm được nấu từ nếp Lào. Một món ấn tượng không thể bỏ qua ở quán Savanakhet là xụm (gỏi trộn) với chỉ 25 nghìn đồng/đĩa được làm từ đu đủ, xoài xanh thái nhỏ dầm với nước bà đẹt (giống như nước mắm nêm ở Huế), kết hợp với các loại rau tươi như lá mưng, lá đào non... Người mới thưởng thức món này lần đầu sẽ thấy vị đăng đắng, cay cay, thanh thanh ở đầu lưỡi, nhưng khi ăn rồi lại muốn thêm nữa...

Phần lớn các nguyên liệu chế biến các món ăn ở quán Savannakhet đều được chồng chị Phúc liên hệ lấy từ Lào về nên thấm đẫm “chất rừng”. Cùng với thái độ hiếu khách, nhiệt tình như tính cách con người nơi xứ sở của hoa Chămpa, quán Savanakhet là điểm đến của mọi lứa tuổi hiện nay.

Chị Phúc chia sẻ, hiện Huế có rất nhiều quán Lào, đây là niềm vui và hạnh phúc khi ẩm thực Lào đã có chỗ đứng giữa đất Cố đô Huế. Từ khi mới mở quán, khách đến không chỉ là giới trẻ, sinh viên Lào, Việt mà còn khá đông du khách các nước đi theo nhóm, gia đình. Nhiều khách đến quán đùa rằng “Savannakhet là nơi hội tụ văn hóa Lào” bởi đến đây, vừa thưởng thức các món ăn truyền thống của Lào, lại vừa được giao lưu, tìm hiểu học hỏi các nét văn hóa Lào...

Bài, ảnh: Minh Văn