Không thể so sánh với con số gia tăng lượng khách đến của du lịch Khánh Hòa, Quảng Nam hay Đà Nẵng (thứ tự là 25%, 11,75% và 5,9%) nhưng ngay cả tỷ lệ tăng trưởng ở lĩnh vực này của Quảng Bình cũng đã vượt xa Thừa Thiên Huế (15,3% so với 2,08%) trong tương quan cùng kỳ. Và dù có hướng đến sự kỳ vọng về chất lượng khách đến, con số lưu trú 1,9 ngày/lượt khách cũng chưa cho thấy một sự chuyển biến, hoặc mới chỉ tương đương yếu so với vài năm trước đó.

Dòng khách châu Âu đến Huế vẫn tăng ổn định

Một vài con số từ báo cáo cho thấy, một số thị trường truyền thống như Pháp, Anh, Mỹ và Đức vẫn có mức tăng trưởng ổn định (với các chỉ số tăng tương ứng là 12,3%; 6%; 6,7% và 6,8% theo thứ tự) nhưng dù vậy, vẫn có những khuyến ngại khác khi cho hay, khách ở khu vực này phàn nàn là chất lượng khách sạn ở Huế ít phát triển hơn so với xung quanh. Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, dù dẫn đầu lượng khách quốc tế đến Huế ở tỷ lệ 26% nhưng khách đến từ Hàn Quốc lại thường chỉ thích món Hàn Quốc và điều này ở Huế đang thiếu, nhất là với những nhà hàng đủ đáp ứng lượng khách lớn đi theo đoàn. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế cũng nêu vấn đề là không nên vẽ ra một bức tranh quá lạc quan về thị trường này khi họ dồn đến Việt Nam và đến Huế do những bất ổn đang có ở thị trường truyền thống của họ.

Cũng theo ông Phan Thanh Hải, lượng khách đến di tích Huế chiếm 85%- 90% khách đến Huế. Tính đến 9/7, số lượt khách vào các điểm tham quan thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đạt trên 1,648 triệu, tăng 19,56%, riêng khách quốc tế tăng 26,44% so với cùng kỳ. Con số này cho thấy lượng khách luân chuyển trong ngày là lớn và cần phải có sự hoạch định, tổ chức lại nhiều hoạt động về đêm hơn như vui chơi, giải trí, mua sắm để kéo khách ở lại với Huế. Tất nhiên, đó phải là những trung tâm có quy mô, có thương hiệu và có sản phẩm tin cậy và an toàn.

Liên kết xúc tiến còn yếu. Kết nối hàng không thấp, tuyến bay quốc tế đến Huế ít ỏi và phập phù; công suất vào khoảng 1,6 triệu lượt khách/năm và mỗi ngày chỉ có từ 18-20 chuyến bay  Hà Nội – Huế và Huế - TP. Hồ Chí Minh. Vì lẽ này, Cảng hàng không Phú Bài không thể nào có lợi thế so sánh với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với công suất hiện tại là 9 triệu lượt khách/năm và có đến 26 đường bay quốc tế. Ngay Ga Huế - theo ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh - với công suất 1,6 triệu lượt khách/năm cũng không thể nào đáp ứng được sự phát triển của du lịch.

Nhưng cũng cho đến thời điểm này, ngoài trang tiếng Nhật được thừa hưởng từ tổ chức JICA cách đây vài năm và đang được tiếp tục vận hành, Sở Du lịch mới chỉ đang chuẩn bị điều kiện để cho ra đời trang tiếng Anh, song hành với việc làm đề án cho một trung tâm hỗ trợ du khách. Dẫu vì lý do gì thì cũng phải thấy đây là một việc làm quá chậm cho một điều hết sức cơ bản. Thông tin thêm cũng từ Sở Du lịch là hiện khách check-in qua mạng đã chiếm hơn 50%, thậm chí là 70% và kinh doanh qua mạng đang được xem là rất hiệu quả. Trong khi đó, 89 đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh mới chỉ đón được khoảng 3% khách du lịch đến Huế (khoảng 50.000 lượt). Điều ấy có nghĩa là lượng khách đến Huế vẫn phụ thuộc nguồn từ các hãng lữ hành ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

“Tất cả các thị trường khách truyền thống đến các tỉnh đều tăng 40% nhưng đến Huế không tăng, có thị trường giảm trong 6 tháng đầu năm” là ý kiến từ Cục Thống kê tỉnh phát biểu tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 8 ngày 10/7 vừa qua. Điều này cho thấy việc vận hành và thúc đẩy để phát triển du lịch của chúng ta còn quá loay hoay, lận đận và chưa thể nào “mở mày mở mặt” với thiên hạ dù được xác định là còn nhiều tiềm năng.

Bài: Hoàng Mai - ảnh: Võ Nhân