TAND tỉnh xét xử sơ thẩm L về tội “giết người”. Sáng sớm, phòng xét xử đã không còn chỗ. Trong chiếc áo sơ mi trắng, bị cáo “hiền lành” ủ rủ giữa những người công an làm nhiệm vụ. Bàn bên, cách lối đi nhỏ, là di ảnh người thiệt mạng. Mẹ, vợ, người thân của bị hại ngồi lặng. 

Giá như đừng có hành vi “anh chị”

Họ càng lặng lẽ hơn khi vị kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa công bố cáo trạng. Theo đó, L cầm ở A chiếc xe máy với giá 1,7 triệu đồng, hẹn 10 ngày sau sẽ chuộc lại. Quá hạn, không thấy L chuộc xe, A tìm đến nhà L, hỏi: “Răng mi không lấy xe?” L tiếp tục hẹn A một thời gian nữa, sẽ kiếm đủ tiền chuộc lại xe. Nghe vậy, A “đốp”: “Mi có phải là đàn ông không?” L trả lời: “Mi nói chi mà khó nghe rứa, chi mà đàn ông với đàn bà?”. A về. Nhưng khoảng 5 phút sau, A đến lại nhà L, tay cầm 1 con dao. L bỏ chạy vào núp trong phòng ngủ của người em trai. A liền chạy vào phòng nơi L đang trốn, nói “mi thiếu nợ tau, mi ưa tau chém không?” đồng thời dùng dao chém L. Bố mẹ L chạy vào can ngăn, đẩy A ra phía trước sân nhà, rồi nói A đem xe đến để ông bà chuộc lại, trả tiền giúp L. A đồng ý. Khi A đưa xe đến, L nói “Đưa xe vào cho bố, mẹ lấy 2,1 triệu đồng”. Nhưng A đòi phải trả cả gốc, lãi và tiền sửa xe là 2,8 đồng. L không đồng ý vì cho rằng, A tự ý sửa xe để tính tiền là vô lý. A liền rút dao giấu sẵn trong người ra chém...

Xì xào từ đám đông người dự khán. Nhiều câu hỏi bức xúc: “Răng lại làm như rứa, hở một chút là vung dao lên “nói chuyện”. Mà phải thuộc dạng “anh chị”, “đại ca” mới lúc nào cũng cầm theo dao trong người?” “Cha mẹ người ta đã có thiện chí thay con trả cả tiền gốc lẫn tiền lãi, chuộc xe về. Bên nhận xe, bên nhận tiền là xong việc, là sẽ chẳng xảy ra chuyện chi nữa. Đằng này, xe người ta cầm, mình tự ý đem đi sửa, rồi đòi tiền sửa chi cho rách việc ra rứa không biết?”...

Quá trình trả lời thẩm vấn, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, L cũng phân trần: “Lúc đầu, bị cáo không hề nghĩ sự việc lại đi đến như vậy (ý nói việc sử dụng dao đâm chết A), nhưng vì anh A đòi hỏi vô lý, lại xông đến chém bị cáo nhiều lần quá, bị cáo bức xúc, không kiềm chế được, chạy xuống bếp vớ dao đâm lại. Bị cáo rất ân hận...”

Muộn

Những phiên tòa xét xử hình sự, không phiên tòa nào giống phiên tòa nào, các tội danh, tình tiết... cũng khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là nhiều nỗi đau, xót xa, mất mát, ân hận... Đặc biệt, đối với những vụ án “giết người” hoặc “cố ý gây thương tích” hậu quả chết người thì sự mất mát, nỗi đau và ân hận đi đến tột cùng.

Khi cầm dao “dí” người khác để giải quyết “công việc”, mâu thuẫn, chắc chắn, những người như A không hề nghĩ đến việc, chính mình có thể thiệt mạng. Mất đi cuộc sống, họ còn để lại cho cha mẹ vợ con những nỗi đau và gánh nặng về tinh thần lẫn vật chất suốt đời. Vợ A mới 22 tuổi, trong chốc lát trở thành góa phụ, một mình nuôi đứa con mồ côi cha, mới hai tuổi. Suốt cả phiên tòa, với tư cách là người đại diện theo pháp luật của người bị hại, chị cứ ngồi lặng ôm con, sau di ảnh chồng, mọi yêu cầu về mức hình phạt đối với bị cáo hay trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo như thế nào, chị phó mặc cho mẹ chồng đại diện trả lời hội đồng xét xử. Bà có ý kiến như thế nào, chị đồng ý như thế ấy. Dường như, người phụ nữ trẻ đó chưa thể nào gượng lại bởi đau xót và mất mát quá bất ngờ, quá lớn. Càng xót càng đau hơn nữa bởi vì chồng chị mất đi tính mạng nguyên nhân cũng từ những sai lầm trong hành vi của anh.

Phạm Thùy Chi