Khe Lạnh, là điểm du lịch hấp dẫn
Chuyện cũ nhưng luôn mới
Gần đây, một phóng viên báo bạn ra Huế công tác, hỏi: “Du lịch Huế phát triển như thế nào, mấy tháng đầu năm tăng trưởng có nhiều không. Ở Đà Nẵng 5 tháng đầu năm lượng khách tăng kỷ lục, 36,2% so với cùng kỳ 2016, riêng khách quốc tế tăng đến 71,6%”.
Cuối tháng 6/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo công bố số lượng khách đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Con số được đánh giá là “kỷ lục” từ trước đến nay. Qua truyền thông, địa phương nào cũng thông báo lượng khách tăng nhanh và mạnh ở mức hai con số, ngay cả Quảng Bình cũng tăng 17%, nhưng Huế lại chỉ tăng chưa tới 2%. Và, những con số đã nói lên tình hình du lịch của từng địa phương.
Vì sao du lịch Huế chững lại như thế? Câu hỏi quá cũ từ vài năm nay, nhưng Huế vẫn chưa tìm được lời giải hoàn hảo nhất. Là điểm du lịch hàng đầu, dần mất vị trí “top” và đến thời điểm hiện tại trong các điểm đến nổi bật, Huế đã rơi xuống vị trí gần như áp chót. Để phần nào giảm áp lực cho ngành du lịch Huế, trong tổng kết cuối năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao phát biểu, Huế không đặt mục tiêu quá lớn vào tăng trưởng lượng khách. Tăng là một phần, nhưng phần quan trọng hơn là tăng được mức chi tiêu của du khách. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành du lịch cần tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ để kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Lượng khách đến Huế đang chững lại
Dù không đặt nặng tăng trưởng lượng khách, nhưng với mức tăng trưởng vừa mới công bố, đó là sự báo động, cần đưa ra để mổ xẻ nguyên nhân và tìm phương hướng khắc phục hiệu quả hơn. Dù gì đi nữa, doanh thu du lịch luôn tỷ lệ thuận với lượng khách đến Huế. Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc phụ trách Sở Du lịch cho rằng, lượng du khách đến Huế không cao trong những tháng qua là do năm 2017 có Festival Nghề truyền thống Huế, thời gian của lễ hội ngắn hơn Festival 2016, lượng khách du lịch đến Huế thấp hơn nhiều. Ngoài ra, do thay đổi hình thức thi tốt nghiệp THPT, Đại học được tổ chức tại từng địa phương, không thi tập trung như các năm trước vì vậy lượng thí sinh đến Huế giảm mạnh đã ảnh hưởng đến số lượng khách so với các năm trước đây.
Cách đây không lâu, Công ty du lịch Vietravel tổ chức đoàn famtrip Thái Lan đến Huế và Đà Nẵng khảo sát. Đại diện Vietravel cho hay, đơn vị tổ chức đã cố tình để đoàn Thái Lan có thời gian dài ở Huế, nhằm khảo sát được nhiều sản phẩm hơn và thời gian khảo sát tại Đà Nẵng chỉ bằng một nửa. Nhưng khi thiết kế tour để đưa khách về, các doanh nghiệp Thái Lan lại dành thời gian khách đến Huế chỉ bằng một nửa thời gian ở Đà Nẵng. Không phải so sánh sự phát triển của hai địa phương, nhưng để thấy rằng, sức hút của Huế không bằng.
Cần những đột phá
Ông Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty DMZ cho biết, so với các năm, lượng khách đến Huế đang giảm. Điều mà Huế cần nhận ra lúc này là những sản phẩm mà Huế đang có, đối với những người trong cuộc là hấp dẫn, đủ sức thu hút khách, nhưng du khách lại không thích. Huế cần tìm hiểu nhu cầu của khách và tổ chức những dịch vụ đó.
Lãnh đạo của Sở Du lịch đánh giá, thời điểm này để du lịch Huế tăng 10 - 12% là nhiệm vụ “bất khả thi”. Để tăng lượng khách thì cần có sản phẩm mang tính đột biến. Có sản phẩm đột biến thì phải có các nhà đầu tư tiềm năng, có nội lực. Lượng khách tăng với hai con số, ít nhất 2-3 năm nữa, khi trung tâm thương mại Vingroup hoạt động, tập đoàn HBG đã đầu tư xong, giao thông được cải thiện, nhất là sân bay được mở rộng quy mô, có khu vui chơi giải trí… Còn hiện tại, chỉ nên đặt mục tiêu tăng 5 - 6% là phù hợp.
Ra phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, tại khu vực dưới chân cầu Trường Tiền chứng kiến cảnh buôn bán nhếch nhác, sẽ không thể tin là tuyến phố du lịch văn minh. Vấn đề là chưa giải quyết được tận gốc. Không cho buôn bán ở phố đi bộ, nhưng cũng không quy hoạch một địa điểm nào khác. Vì thế, cứ thấy lực lượng chức năng mỏng đi là lại bày ra bán. Đã có nhiều góp ý rất mạnh dạn và có tính khả thi cao, đó là thí điểm cầu Trường Tiền ban đêm chỉ dành cho đi bộ, khu vực bến Chương Dương và con đường phía sau chợ Đông Ba được chỉnh trang lại và đưa những hộ buôn bán ra đó. Phía phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu văn minh, sang bên kia là thiên đường của dịch vụ ăn uống và những mặt hàng bình dân. “Làm được dịch vụ này, khách chắc chắn ở lại với Huế thêm ít nhất một đêm nữa”, một cán bộ lãnh đạo Sở Du lịch nhận định.
Không phủ nhận để hình thành được một sản phẩm du lịch hấp dẫn phải trải qua các giai đoạn giới thiệu, phát triển, đỉnh cao và bão hòa. Nhưng với những dịch vụ đang triển khai, nhất là "Đại Nội về đêm" còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được điều chỉnh để thu hút du khách hơn. Sở Du lịch cho biết, qua trao đổi với một số đơn vị doanh nghiệp du lịch, du khách tham quan, thấy nhiều ý tưởng nhằm hoàn thiện sản phẩm: một số vị trí và góc bên ngoài và trong khu vực Đại Nội còn tối; các phần biểu diễn và tái hiện hoạt cảnh vẫn thiếu sự liên kết, chưa có một sự xuyên suốt thành một câu chuyện hoàn chỉnh về đời sống hoàng cung xưa; chưa có một số khoảng dừng cần thiết giữa các hoạt động để du khách kịp có “độ ngấm” cảm nhận được những gì vừa xem; tại lối ra ở cổng Hiển Nhơn cũng nên có một số nghi thức chào tạm biệt và cám ơn du khách để tạo sự lưu luyến mong muốn quay lại đối với du khách; cần phải bổ sung thêm một số gian hàng ẩm thực đặc trưng của Huế với không gian phục vụ tốt hơn, ấn tượng hơn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng trăn trở khi du lịch Huế đang thiếu những con người đủ khả năng vực dậy ngành du lịch. “Tôi đề xuất với lãnh đạo tỉnh, Huế cần thuê giám đốc để đảm nhận những chức vụ quan trọng. Bởi vì, con người luôn là yếu tố quan trọng nhất cấu thành của sự phát triển”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân góp ý.
Đức Quang