Ban đầu nó chỉ mang tên Phi - lao, một cái tên phiên âm từ tên tiếng Pháp "Filao". Rồi về sau, người Việt đã gán cho nó một vài cái tên khác nữa. Ở một số tỉnh cực Bắc Trung bộ, không hiểu vì sao người ta gọi nó là "Xi lau". Từ Nghệ An trở vào, nó thường được gọi là "Dương liễu", do thấy hình dáng cây như Liễu, mà lại mọc ven biển. Nhưng, cái tên Dương liễu cũng đã khiến không ít người hiểu nhầm đó là cây được nhắc tới trong bài Khuê oán của Vương Xương Linh: "Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc".

Thật ra, cây Phi - lao (Dương liễu) và cây Liễu rũ là cây rất khác nhau. Chúng là hai loài thực vật thuộc hai họ xa nhau, có vùng phân bố tự nhiên cũng khác nhau. Cây Phi - lao có tên khoa học là Casuarina equisetifolia, thuộc họ Phi - lao - Casuarinaceae, phân bố tự nhiên ở Australia, Malaysia, vùng Nam Á và nhiều đảo Thái bình Dương; còn cây Liễu rũ có tên khoa học là Salix babylonica, thuộc họ Liễu - Salicaceae, phân bố tự nhiên chủ yếu ở Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi cây Phi lao là Mộc ma hoàng, còn cây Liễu là Thùy liễu. Tuy nhiên, một vài địa phương, như Hồ Nam chẳng hạn, cũng gọi Thùy liễu là Dương liễu, do họ quan niệm rằng cây Dương và cây Liễu rất gần gũi nhau, cùng trút lá lúc vào thu, rồi thay da đổi thịt vào đầu xuân như nhau.
 
Trên thế giới, người ta biết cây Phi - lao qua các tên gọi Filao, Filao bord de mer, Filao tree, Australian Pine, Horsetail tree...
 
Phi - lao thuộc loại cây gỗ trung bình, cao 15 - 25 m, mang hoa đơn tính cùng cây. Hoa đực tập trung ở đầu cành, lúc nở, nhị có màu vàng nâu khiến cho toàn cây như bị khô cháy. Hoa cái mọc thành cụm ở giữa hay gốc cành, khi nở sẽ khoe sắc đỏ thắm rất đẹp mắt. Quả thuộc dạng quả kép, khi chín có vỏ hóa gỗ và tự khai để phóng thích hạt ra ngoài. Hạt có khả năng tái sinh mạnh, cây con mọc khỏe và thích nghi với các đồi cát vàng ven biển rất tốt. Cây chịu được mặn, khô và gió, nên rất thích hợp với việc trồng tạo rừng phòng hộ, cố định cát ở các đồi cát di động ven biển. Gỗ của cây cho nhiệt lượng lớn, sau cháy để lại than chất lượng cao, làm chất đốt rất tốt, nhất là phục vụ các lò gạch, lò gốm... Vì vậy, trong mấy chục năm qua, nhiều rừng Phi - lao ven biển đã bị chặt phá bừa bãi, thiếu kiểm soát. Phi - lao cũng là loài cây có phổ thích nghi sinh thái rộng, có thể đưa trồng ở những tiểu vùng sinh thái nội địa, thậm chí ở vùng đồi núi cao. Nhiều mô hình trồng Phi - lao làm đai chắn gió cho các cánh đồng lúa nước ở khu vực miền Trung tỏ ra rất hiệu quả. Nhiều nơi, người ta còn khai thác vỏ Phi - lao để trích ta - nanh dùng vào việc nhuộm vải, lưới đánh cá, hay dùng cho y học.
 
 
Tác dụng của Phi - lao không dừng lại ở việc phòng hộ, cung cấp nhiên liệu đốt, ta - nanh... Nó còn là một nguồn vật liệu cho ngành cảnh quan đô thị. Nhiều nơi ở Việt Nam đã tận dụng cây Phi-lao để bổ sung vào hệ thống cây xanh đô thị, không những để đa dạng hóa chủng loại, mà đặc biệt hơn là làm tăng tính thẫm mỹ cho không gian xanh. Người ta đã trồng Phi - lao để uốn nắn, cắt tỉa, tạo hình, tạo ra những hình thái bắt mắt trong các công viên, điểm xanh hoặc để tạo những hàng rào xanh mỹ thuật. Ở nhiều công viên ven bờ biển như Nha Trang, Qui Nhơn..., quần thể Phi - lao tạo hình chiếm tỉ lệ đáng kể.
 
Phi - lao cũng được trồng làm cây bon - sai, so vai không thua kém gì những chậu bon - sai làm từ những loài cây xanh khác. Những năm gần đây, những người kinh doanh cây cảnh đã lùng sục khai thác tận dụng những gốc cây Phi - lao cằn cỗi, sù sì, khúc khủy trên các đồi cát ven biển, trong các cánh rừng Phi - lao, đã tạo ra một làn sóng càn quét, truy lùng gốc Phi - lao, mà hậu quả là gây sạt lở, phá vỡ cảnh quan, tàn phá môi trường, gây suy thoái đa dạng sinh học... Đây là một hiện tượng tiềm tàng nguy cơ xâm hại vùng sinh thái ven biển, rất đáng quan tâm chặn đứng.
 
Ở thành phố Huế, Phi - lao bắt đầu được đưa trồng một số nơi, nhưng chưa được tạo dáng đẹp như các tỉnh phía Nam. Ở vườn hoa - cây cảnh thuộc Trung tâm Công viên Cây xanh có khá nhiều cây bon-sai Phi-lao đẹp. Một số nghệ nhân cây cảnh ở thành phố Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung cũng đang phát triển ngày càng nhiều cây bon-sai Phi-lao, góp phần phong phú hóa chủng loại và đa dạng hóa kiểu hình bon - sai cho mạng lưới cây cảnh tỉnh nhà.
 
Đỗ Xuân Cẩm