Các đây hơn 1 tháng, Báo Thừa Thiên Huế đăng bài phỏng vấn Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh “Sẽ có một đám cưới tập thể tuyệt vời”, nhiều lao động trẻ đã đọc bài báo và xúc động bày tỏ mong muốn được tham gia đám cưới lần này. Phần nhiều họ đã có dự định tổ chức đám cưới từ nhiều năm trước, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên lần lữa mãi. Điều này cho thấy, ĐCTT đang là nhu cầu của nhiều lao động hiện nay.

Thật ra, ĐCTT là chuyện không mới, được tổ chức nhiều ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành trong nước. Những cặp đôi được chọn tham gia đám cưới chủ yếu là công nhân lao động nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt như khuyết tật, nhiễm HIV… Từ đây, nhiều gia đình nhỏ đã rất hạnh phúc, nuôi dạy con cái vững vàng, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Các nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã tổ chức nhiều ĐCTT ý nghĩa. Có đám cưới mang tầm quốc tế như ĐCTT được tổ chức hồi đầu năm ngoái tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) với sự tham gia của hơn 3.000 cặp đôi đến từ 62 quốc gia trên thế giới. Cảm động có thể kể đến là ĐCTT được tổ chức tại TP. Aleppo, Syria, vừa được giải phóng khỏi tay lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS mới đây, với 30 cặp đôi tham gia; nhằm chứng minh cuộc sống vẫn tiếp diễn sau những mất mát đau thương mà cuộc chiến vô nghĩa và tàn bạo mang lại…

Dù ở góc độ nào thì ĐCTT vẫn có ý nghĩa, mang giá trị nhân văn cao cả. Các hoạt động ĐCTT của ta lâu nay tổ chức chủ yếu thể hiện sự quan tâm của công đoàn, doanh nghiệp và các tổ chức, đoàn thể trong xã hội đến người lao động, những hoàn cảnh đặc biệt. Có đám cưới với mức phí trách nhiệm chỉ 1 triệu đồng/đôi, cô dâu, chú rể vẫn được đảm bảo các nghi thức truyền thống.

Phong tục người Việt coi cưới xin là một việc lớn của đời người. Cũng chính vì quan niệm đó mà thời gian gần đây rất nhiều đám cưới được tổ chức linh đình, tốn cả hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Nhiều gia đình kinh tế không mấy dư dả vẫn cố lo cho "bằng chị bằng em", để lại gánh nặng nợ nần, ảnh hưởng đến kinh tế sau này của đôi vợ chồng trẻ. Gia chủ vất vả đã đành, khách mời cũng vất vả không kém, bởi tiền quà cũng phải tương xứng. Cũng chính vì chi phí cho đám cưới quá cao mà nhiều cặp đôi thu nhập eo hẹp đã không dám tổ chức đám cưới. ĐCTT sẽ hóa giải được điều này.

Trong 22 cặp đôi được lựa chọn ĐCTT lần này là những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, phần lớn sinh sống tại các khu nhà trọ, các vùng nông thôn, có tuổi đời từ 20 đến 45 tuổi. Hi vọng đây là mô hình hay, tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới, không chỉ cho đối tượng là công nhân mà cả các thành phần khác trong xã hội, từng bước thay đổi tập tục cưới xin tốm kém, vốn là gánh nặng của nhiều người lâu nay.

Đặng Thành