Chất thải chăn nuôi heo tràn ra mặt đường gây ô nhiễm ở Dương Sơn

“Bí” đường thoát

Chỉ cần đặt chân vào các ngõ xóm của thôn Dương Sơn là đã cảm nhận được mùi “đặc trưng” từ các hộ chăn nuôi heo. Gần như cả làng đều nuôi heo từ mấy chục năm nay, nhưng không có hệ thống xử lý chất thải và lượng thải ngày càng đầy thêm nên mùi hôi, ô nhiễm môi trường cứ thế tích tụ.

Chị Phan Thị Búp ở xóm 7 bức xúc: “Hôi quá sức nhưng phải nghiến răng chịu. Góp ý mãi, “nhờ” họ bắt đường ống thoát ra xa mà họ không nghe, không chịu làm. Mình phải bỏ tiền xây tường rào cao vẫn không ngăn được mùi hôi, chất thải, nước thải chảy tràn”.

Thôn Dương Sơn có 8 xóm, khoảng 270 hộ dân thì đã có đến gần 250 hộ có nuôi heo ngay trong khu dân cư. Mỗi hộ nuôi ít nhất 5, 7 con; nhiều nhất lên đến 200- 300 con. Hầu hết chuồng trại được người dân xây cạnh đường liên xóm, nên chất thải cứ thế chảy tràn ra vườn, tuồn thẳng ra đường. Do ứ đọng lâu ngày, rãnh thoát nước hai bên đường có màu đen kịt, đặc quánh, ruồi nhặng bâu kín. Những ao nước tù đọng chất thải của gia súc trong vườn của những hộ nuôi cũng nhếch nhác, ô nhiễm không kém.

Do yêu cầu của địa phương và phản ánh của những hộ dân lân cận, nên một số hộ chăn nuôi số lượng lớn phải bắt đường ống, phá hàng rào để đưa nước thải, chất thải ra ao chung của làng cách khoảng 200- 300m. Tuy nhiên, cách làm này vẫn không ăn thua, chưa giải quyết triệt để. Chính quyền địa phương có kế hoạch đầu tư mở rộng mương thoát, khơi thông dòng chảy cho các tuyến đường chính, nhưng lại ảnh hưởng đến thôn lân cận như thôn Cổ Lão, nên người dân ở thôn này không đồng ý.

Ông Phan Phụ, Trưởng thôn Dương Sơn cho hay, gần 90% hộ chăn nuôi heo đều xây hầm biogas, nhưng do dung tích bể không đủ sức chứa nên phải xả ra ngoài. Trong khi đó, mọi đường thoát đều đã “bí”, nên bà con đành phải sống chung với ô nhiễm. Vừa qua, nhờ được đầu tư nạo vét sạch đường kênh “tiền làng” vốn trước đây rất nhếch nhác, nên cơ bản trả lại vẽ mỹ quan, bộ mặt của thôn. Nhưng bức bách nhất là các tuyến mương nằm “cặp” các tuyến đường ngách, xóm. Những ngày hè gần đây, thỉnh thoảng có một vài trận mưa giông, nước thải từ các đường mương trong khu dân cư chảy lênh láng ra mặt đường đi. Nhất là ở khu vực xóm 8, do mật độ chăn nuôi lớn, cộng với vùng thấp trũng nhất, nên có nhiều đoạn chất thải ngập mặt đường dày đến 10cm, người dân ai cũng kêu trời.

Nhà nước và Nhân dân cùng làm

Theo ông Tống Hồ Thanh Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Hương Toàn, do địa thế khu dân cư thôn Dương Sơn thấp hơn các vùng bên ngoài, nên việc tiêu thoát nước thải từ các tuyến mương trong khu dân cư rất khó khăn.

Địa phương cũng đang nghiên cứu, tìm cách đưa nước thải ra ngoài. Trước mắt, xã vận động các hộ nuôi chủ động xử lý đảm bảo tại chỗ. Trong đó, xã vận động người dân dần thay thế bể biogas xây bằng gạch, bê tông sang sử dụng bể biogas bằng nhựa composite.

Ưu điểm của hầm bể biogas composite so với hầm bể biogas bằng gạch, bê tông là có độ kín khí, độ chịu lực lớn, chống axít ăn mòn, hiệu suất bồn bể cao gấp 2,5 lần so với bể xây gạch, bê tông cùng thể tích. Bể tự đẩy bã phân ra ngoài nên không mất chi phí dọn bể, nhất là không gây mùi hôi thối, tận dụng làm phân bón rất tốt. Trọng lượng của bể nhẹ, dễ di chuyển, phù hợp với điều kiện nông thôn... Chi phí chuyển đổi loại bể này không lớn nên sẽ dễ được người dân áp dụng.

Theo Trưởng thôn Dương Sơn- Phan Phủ, để giải quyết vấn đề bức bách về môi trường, vừa qua, thôn tiến hành khảo sát để xây dựng mương thoát nước dài khoảng 300m, hố ga xử lý thí điểm ở xóm 8 để giải quyết. Tuy nhiên, bước đầu tính toán kinh phí mất khoảng 300 triệu đồng. Nếu làm đồng bộ cả thôn cần kinh phí rất lớn.

Để làm được cần huy động Nhà nước và Nhân dân cùng đóng góp. Trong khi chờ đợi nguồn hỗ trợ, tạm thời trước mắt, thôn sẽ vận động từng hộ nuôi lắp đường ống đưa nguồn thải ra vùng đất sản xuất nông nghiệp để tận dụng nguồn thải này tưới cỏ cho cá ăn, tưới bắp và dùng làm phân bón đồng ruộng.

Hương Toàn cũng đang xây dựng nhãn hiệu rượu gạo Dương Sơn, nên chắc chắn để đảm bảo về lâu dài, địa phương sẽ kết hợp xây dựng phương án và đề xuất xin kinh phí của thị xã trên cơ sở Nhà nước và Nhân dân cùng đóng góp để xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bài, ảnh: Hoài Thương