Chùa Thiên Mụ luôn đông khách tham quan mỗi ngày

Quen mấy người bạn làm lữ hành, khi đề cập đến chuyện vé vào di tích, họ bảo: "Vé vô thăm di tích của Huế rẻ, nhưng mà... đắt" ?!!

Rẻ thì rẻ mà đắt là đắt, sao lại có chuyện rối rắm phức tạp như vậy? Thấy tôi có vẻ tối dạ chưa hiểu, một bạn cười cười rồi bảo:

- Anh đi Campuchia chưa? Qua đó thăm Angkor Wat, Angkor Thom, vé tới 37 USD/người (nghĩa là khoảng 800 ngàn đồng VN), nhưng mà người ta thấy thoải mái. Còn Huế mình, vô Đại Nội vé giá 150 ngàn, nhưng người ta lại có cảm giác rất không thoải mái, cảm thấy sản phẩm mang về không xứng với đồng tiền bát gạo mà họ bỏ ra.

- Angkor có giá trị của Angkor, Đại Nội có giá trị của Đại Nội, sao lại so sánh xứng đáng với không xứng đáng. Mà giá vé của Đại Nội 150 ngàn, chưa tới 10 "đô", quá rẻ, sao khách còn... được đằng chân lân đằng đầu.

- Vấn đề ở đây không phải là giá trị và giá vé.

- Vậy là cái gì?

- Là tổ chức.

- Nói rõ hơn tí.

- Bởi thăm di sản thế giới, nhưng để kịp giờ đến điểm khác mà tour thiết kế, khách phải đi như... chạy giặc. Ngọ Môn thăm 10 phút, lo vô Thái Hòa; Thái Hòa thăm 10 phút, lại phải di chuyển qua Thế Miếu; Thế Miếu 10 phút, lại lo ra Thái Bình Lâu... Thành ra cái chi cũng chỉ biết lợt chợt, rất ức chế, và người ta cảm thấy cái vé họ mua là bị đắt...Còn ở Angkor, khách cứ nhẩn nha thăm thú. Trưa chạy ra ăn uống, chiều vô lại vẫn OK, khỏi cần mua lại vé như ở ta...

Câu chuyện với mấy người bạn làm du lịch lại trở thành đề tài tranh luận cho một nhóm bạn khác. Khi nghe tôi kể về than phiền của người bạn làm du lịch, họ cho rằng không thể đổ lỗi hết cho di tích. Bởi di tích bán vé, nhưng có khống chế thời gian tham quan đâu. Lỗi một phần lớn là do các nhà lữ hành. Họ thiết kế tour nhiều điểm, thông thường một ngày, đoàn khách nào cũng đi Đại Nội, Thiên Mụ và thêm một di tích nữa, có thể là lăng Tự Đức, hoặc lăng Khải Định. Và gì thì gì, Thiên Mụ không bao giờ bị bỏ qua. Là bởi Thiên Mụ quá nổi tiếng, quá đẹp, và quan trọng là... không phải mua vé. Hãng lữ hành đỡ một khoản chi phí nhưng lại cho khách hàng cảm giác được thăm thú nhiều nơi.

Thăm nhiều nơi thì phải đi như chạy, dẫn đến ức chế, cảm thấy vé vào Đại Nội đắt là đương nhiên! Rồi cũng vì "cái chi cũng chỉ biết lợt chợt" như anh bạn làm du lịch than phiền, cho nên du khách thấy Huế di sản cũng "thường thường". Cái hay, cái quý của di sản không đến được với khách, sức hấp dẫn, sức lan tỏa của "điểm đến" Cố đô Huế cũng vì vậy mà cũng kém và "nhạt" dần đi. Theo chúng tôi, đó mới là cái đắt nhất! Đó mới là câu chuyện cần bàn giữa các cơ quan hữu trách với các doanh nghiệp làm du lịch.

Trở lại với anh bạn lữ hành lúc nãy. Khi nghe anh than phiền về cái việc phải đưa khách "chạy", vừa thấy tiếc cho Huế, tiếc cho khách mà bản thân nhiều lúc cũng bở hơi tai. Bởi khách đi một tour rồi về chứ anh thì do nghề nghiệp nên ngày nào cũng phải "chạy". Tôi hỏi, thấy bất cập vậy sao không phản ánh, không đề xuất thay đổi? "Bọn em lính lác, ai thèm hỏi, ai cho họp mà phản với ánh"- anh trải lòng.

Chợt nghĩ, "giữa thời buổi" du lịch Huế đang gặp không ít nhọc nhằn bất cập, đang có nguy cơ "tụt hậu" ngay cả đối với những địa phương từng bị xem thuộc hàng "em út", thì việc la cà, tiếp cận, lắng nghe những người trực tiếp phục vụ, trực tiếp cọ xát với du khách hàng ngày, biết đâu sẽ làm phát lộ những đầu mối cho những nút thắt cần gỡ. Thậm chí, biết đâu họ cũng sẽ có những đề xuất, những hiến kế hay cho du lịch Huế phát triển.

Huy Khánh