Hiện, tình trạng nắng nóng, khô hạn gay gắt, nguy cơ cháy rừng cao tại nhiều địa phương mà tập trung chủ yếu tại các tỉnh khu vực Tây nguyên, Tây Nam bộ và Đông Nam bộ. Trong khi theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời gian tới, tình trạng nắng nóng, khô hạn sẽ tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương.

Còn theo tin từ Cục Kiểm lâm (KL), cho đến những ngày đầu tháng 3 năm nay, nhiều khu vực tại 18 địa phương trên cả nước có nhiều ngày không mưa, thời tiết hanh khô kéo dài dễ dẫn đến cháy rừng ở các cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm mà nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh.
 
Thời gian qua, tại Thừa Thiên Huế, công tác PCCC rừng đạt những kết quả nhất định nhưng chưa mang tính bền vững và tài nguyên rừng có nguy cơ bị xâm hại. Từ đầu năm đến nay, tại đây chưa xảy ra cháy rừng và không thuộc diện địa phương được Cục KL cảnh báo như đã nêu trên, nhưng nguy cơ cháy rừng cũng rất cao. Bởi, theo đánh giá của Phó Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh Nguyễn Đại Anh Tuấn: “Trong năm 2012, mặc dù được chính quyền địa phương, các chủ rừng và các đơn vị KL đặc biệt chú trọng, nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan khác nhau, công tác PCCC rừng vẫn chưa đạt được mục tiêu như đề ra ngay từ đầu năm mà để xảy ra 18 vụ cháy với tổng diện tích rừng trồng bị tiêu hủy gần 76 ha và thiệt hại hoàn toàn hơn 58 ha”.
 
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng vừa có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về PCCC rừng. Theo đó, để chủ động triển khai các biện pháp PCCC rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư phải tổ chức triển khai ngay việc chủ động thực hiện công tác bảo vệ và PCCC rừng, chỉ đạo các lực lượng liên ngành thực hiện quy chế phối hợp trong công tác này; đồng thời, tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy gần rừng hay trên diện tích quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Trong thời kỳ khô hạn, các cơ quan này cần quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác cũng như hướng dẫn và quản lý chặt chẽ hoạt động này theo quy hoạch; tổ chức kiểm tra, rà soát phương án và các biện pháp triển khai thực hiện phương án PCCC rừng ở cơ sở, tổ chức thường trực 24/24 giờ trong ngày; bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm, không để phát sinh nguồn lửa; phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời.
 
Để chủ động phương án quản lý bảo vệ và PCCC rừng đạt hiệu quả theo yêu cầu của UBND tỉnh mới đây, đề nghị Thường trực Ban Chỉ huy Bảo vệ rừng - PCCC rừng các huyện, thị xã, TP Huế và các hạt KL có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với chính quyền cấp xã, chủ rừng khẩn trương xây dựng hoàn thiện phương án quản lý, bảo vệ, PCCC rừng của địa phương, đơn vị mình, đề ra các biện pháp và triển khai thực hiện có hiệu quả. Ngoài ra, Chi cục KL phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Phong Điền sớm báo cáo Ban Chỉ huy Bảo vệ rừng - PCCC rừng tỉnh về phương án diễn tập PCCC rừng.
Vĩnh Cự