Người dân kêu gọi hành động để chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AP

Khoảng 300 thành phố đã tăng cường và cam kết sẽ nỗ lực để đạt được các mục tiêu về khí hậu trong Hiệp định Paris, bỏ qua quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm đưa đất nước ra khỏi hiệp ước được ký kết năm 2015, hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Theo các chuyên gia, giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu bằng cách cải tiến các tòa nhà, mở rộng các chương trình tái sử dụng năng lượng và tái chế... có thể tạo ra công ăn việc làm.

Trong Hiệp định Paris, các nước giàu, nghèo đều cam kết giảm phát thải các khí nhà kính, phát sinh từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch mà các nhà khoa học cho răng đó mà một trong những nguyên nhân làm trái đất nóng lên.

Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định nói trên khi cho rằng, thỏa thuận sẽ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, và làm suy yếu chủ quyền quốc gia.

Tháng trước, nhiều thành phố và tiểu bang ở Mỹ đã đồng ý cùng làm việc với các chuyên gia để đo lường sự tiến bộ đối với các mục tiêu của hiệp định Paris.

Thoả thuận này được gọi là “Lời cam kết của Mỹ” và được dẫn dắt bởi Thống đốc California Jerry Brown và cựu Thị trưởng thành phố New York, Michael Bloomberg, cùng với hơn 1.500 doanh nghiệp, trong đó có Fortune 500.

Theo dự đoán của Liên Hiệp quốc, 2/3 dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050, tăng từ mức 1/2 hồi năm 2014.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & AP)