Một đứa trẻ nhiễm bệnh tả đang được điều trị. Ảnh: AFP

Sự suy giảm đáng kể số lượng người tử vong mỗi ngày trong tháng qua - từ khoảng 30 người xuống còn dưới 10 người - cho thấy chiến lược của WHO về việc thiết lập mạng lưới các điểm bù nước để hỗ trợ các bệnh nhân đang hoạt động hiệu quả.

Dịch tả, lây lan qua thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm bởi vi khuẩn Vibrio cholerae, có thể gây chết người trong vòng vài giờ nếu không được điều trị. Số ca tử vong cho thấy 99,5% bệnh nhân vẫn có thể sống sót ở Yemen, nơi mà một cuộc nội chiến tàn phá và suy kiệt kinh tế đã khiến hàng triệu người đứng trên bờ vực chết đói.

Báo cáo mới nhất của WHO cũng cho thấy, 396.086 người Yemen được cho là đã mắc bệnh tiêu chảy tính đến ngày 24/7, chiếm khoảng 1/50 dân số cả nước, trong đó có 1.869 ca tử vong liên quan đến dịch tả.

Theo WHO, các ca bệnh mới đang vẫn đang được ghi nhận ở mức từ 5.000 đến 6.000 mỗi ngày, nhưng số liệu cho thấy đợt bùng phát này đang có dấu hiệu chậm lại, sau khi tăng vọt lên vào khoảng 3 tuần trước. Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế từng dự đoán rằng, đến cuối năm 2017, số người bị ảnh hưởng sẽ lên đến 600.000 người.

Bệnh tả cũng đang lan rộng ở Somalia, Kenya, Congo, Nigeria, Tanzania và Nam Sudan, nơi mà WHO sắp bắt đầu một chiến dịch tiêm chủng với 500.000 liều vaccine chống bệnh tả bằng đường miệng.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters)