Mẹ vẫn luôn tự hào về những mất mát của mình (Trong ảnh: Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Vàng ôn lại quá khứ vinh quang cùng ĐVTN phường Vỹ Dạ). Ảnh: Bảo Minh

Lặng thầm nỗi đau

A Lưới, vùng đất mà những người con của núi rừng đều xin được mang họ Bác Hồ, có những bà mẹ Việt Nam Anh Hùng bình dị mà anh dũng. Ở xã Hồng Kim, mẹ Kăn Plôh (sinh 1920), sinh ra trong gia đình nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Lúc còn trẻ, mẹ đã theo du kích vót chông, làm bẫy diệt thù. Trong những năm đánh Mỹ, mẹ bền bỉ gùi lương thực, súng đạn vượt suối, trèo non phục vụ chiến trường và tích cực vận động bà con thôn, bản ủng hộ lương thực, thực phẩm cho bộ đội đánh giặc. Qua những câu chuyện kể, mẹ đưa chúng tôi trở về với một thời hoa lửa. Hồi ấy, các con trai của mẹ lần lượt tình nguyện lên đường nhập ngũ. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ quyết liệt, cũng là lúc, chồng mẹ, ông Kon Mía, du kích xã Hồng Kim, hy sinh ở suối Ta Hung ngày 7/5/1960. Cũng trong ngày hôm đó, người con trai của mẹ là Kon Chích anh dũng ngã xuống trên chiến trường A Lưới. Bao đau thương dồn đến với mẹ chỉ trong một ngày. Kể đến đây, mẹ lặng lẽ lau nước mắt...

Phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ Hoàng Thị Thí (xã Phong An, huyện Phong Điền)

Những ngày tháng 7, tìm về phường Vỹ Dạ (TP. Huế) thăm mẹ Trần Thị Vàng. Chiến tranh đi qua hơn 40 năm, nhưng nỗi đau thương vẫn còn len lỏi âm thầm trong căn nhà nhỏ, nơi mẹ Vàng và các con chung sống. Mẹ sinh được 5 người con, tất cả đều tham gia kháng chiến. Ở hậu phương, cũng như bao người mẹ khác, mẹ Vàng luôn chắt chiu, chịu thương chịu khó, mong ngày đất nước thống nhất để gia đình được đoàn tụ. Khi nhận được tin con Nguyễn Mậu Hy hy sinh, mẹ bàng hoàng, nước mắt cứ lã chã rơi, trái tim nghèn nghẹn như có ai bóp chặt… Nỗi đau chưa kịp nguôi thì cuối năm đó gia đình mẹ lại nhận được giấy báo tử của chồng - ông Nguyễn Mậu Hương. Ngồi trò chuyện bên mẹ, chúng tôi cảm nhận rất rõ ở nơi mẹ vinh quang luôn tỏa sáng từ giọng nói đượm buồn, pha lẫn tự hào khi mẹ hồi tưởng về quá khứ. Những giọt nước mắt mẹ thấm đẫm nỗi nhớ nhung.

Sưởi ấm lòng mẹ

Khó bù đắp hết những mất mát, đau thương nhưng sự quan tâm chăm lo đầy yêu thương, trân quý với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay góp phần sưởi ấm lòng các mẹ trong quãng đời còn lại. Các mẹ tuổi đã xế chiều, nhưng những ký ức về chồng, con là những kỷ niệm đẹp mà mẹ nhớ mãi và kể lại mỗi khi các cháu về thăm mẹ. Mẹ tươi vui hẳn lên trong những lần trò chuyện, như đón nhận món quà tinh thần mà các cháu đã mang đến biếu mẹ - là sự quan tâm, chia sẻ.

Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế tặng quà cho mẹ Kăn Plôh

Việc nhận phụng dưỡng 106 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn được xem là một nét đẹp văn hóa đầy ý nghĩa nhân văn, đó không chỉ là chăm lo vật chất mà còn thể hiện sự quan tâm bằng cả tấm lòng. Những tình cảm chân thành xuất phát từ sự biết ơn sâu sắc đó đã góp một phần nhỏ để các mẹ sống vui hơn, sống khỏe hơn, sống thọ hơn, thấy quê hương, đất nước ngày thêm đổi mới, phát triển. Giờ đây, các mẹ đều có cuộc sống ổn định, hạnh phúc bên người thân và con cháu, được gia đình, chính quyền và người dân địa phương quan tâm chu đáo.

Nhiều đơn vị ngoài việc gửi tiền phụng dưỡng các mẹ hàng tháng còn thường xuyên tổ chức các chuyến đến thăm hỏi, tạo niềm vui cho các mẹ. “Các anh không trở về nữa, nhưng mẹ vẫn còn có chúng con. Chúng con sẽ thay các anh làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của một người con đối với mẹ”. Đó là lời hứa từ trái tim của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức Bảo hiểm xã hội tỉnh trong buổi lễ nhận phụng dưỡng mẹ Kăn Xiếp (A Lưới).

Khó có thể kể hết chuyện anh hùng của các mẹ. Sinh thời, Hồ Chủ tịch trân trọng ghi nhớ: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam - Bắc đã sinh ra và nuôi dạy những thế hệ anh hùng cả nước ta”. Chăm sóc các Bà  mẹ Việt Nam Anh hùng chính là sự tri ân của hậu thế với những tấm lòng hy sinh to lớn đối với đất nước. Tên tuổi của các Mẹ mãi mãi được Tổ quốc khắc ghi, là niềm tự hào của dân tộc nói chung, của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng…

Huế Thu