Đến nay, đội hình doanh nghiệp ở khu vực này đã có một lực lượng khá đông đảo, bao gồm trên 5.900 doanh nghiệp, chiếm 98,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Tuy nhiên, trong bảng so sánh cụ thể, trong khi các doanh nghiệp khu vực FDI nộp ngân sách Nhà nước chiếm 33,33% thì mặc dù có lực lượng chiếm vị thế áp đảo, khối doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 17,09%, còn lại là khu vực doanh nghiệp nhà nước (9,5%) và hộ kinh doanh cá thể (3,63%).

Cũng khó có thể đòi hỏi những tỷ lệ cao hơn khi 96% doanh nghiệp trên địa bàn là nhỏ và siêu nhỏ với vốn điều lệ dưới 1 tỷ đồng, chưa kể những doanh nghiệp được cho là mất hút và không tìm thấy. Con số mới nhất cho thấy, tính đến hết tháng 6/2017, toàn tỉnh có 349 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 3.853 tỷ đồng, tăng 4,8% về lượng và gấp 3,4 lần về vốn, song cũng có 36 doanh nghiệp xin giải thể, tăng 44% và 171 doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động, tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Việc phá dỡ rào cản về tâm lý bao gồm tính hài lòng, tính bó gọn, thu hẹp mình để tạo ra một tư duy bứt phá, dám xông pha và dám chịu thất bại cho đến lúc này vẫn còn là giới hạn mà bản thân các doanh nghiệp vẫn chưa thể vượt qua. Vì thế, để trở thành động lực quan trọng trong xu thế phát triển tất yếu sẽ là điều khó khăn, nếu các doanh nghiệp ở khu vực này không tự mình thay đổi, và phải là một sự vận động tích cực hơn bên cạnh những đối sách quan trọng của tỉnh về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh doanh và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân có thể phát triển mạnh.

Thế nhưng, theo như cách của ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương thì bên cạnh việc chia sẻ, giúp đỡ và tạo điều kiện, cơ chế hỗ trợ, vấn đề cũng cần xem lại là ứng xử và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với tỉnh? Có lẽ, câu hỏi này đã đến từ chỗ, Sở đã nhiều lần tổ chức các hội nghị phổ biến về cơ chế, chính sách, pháp luật, bản quyền, thương hiệu... nhưng doanh nghiệp trong tỉnh không đi dự, hoặc cử người không đủ thẩm quyền đến tham gia. Cũng theo Giám đốc Sở Công thương, mặc dù không có sự phân biệt nhưng hầu hết các doanh nghiệp mong muốn phát triển lại là doanh nghiệp ngoại tỉnh.

Chia sẻ với việc Thừa Thiên Huế chưa có doanh nghiệp mang tính dẫn dắt, ông Nguyễn Trung Tiến - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cũng băn khoăn khi cho hay, trong khi Quảng Bình có 2 tập đoàn lớn là Trường Thịnh và Sơn Hải với biên độ hoạt động rộng, khắp các địa bàn thì Huế vấn chưa có doanh nghiệp nào đủ lớn, và đó cũng là điều cần được xây dựng để có thể làm trụ cột cho nền kinh tế.

Có lẽ cũng cần nhắc lại một lần nữa về tính liên kết – một yếu tố cơ bản nhưng chưa được các doanh nghiệp trên địa bàn coi trọng. Có câu, “... Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” nhưng vì mối quan hệ có phần lỏng lẻo này mà dù nhiều, dù đông nhưng tính nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu sự kết nối và chia sẻ trong chuỗi giá trị nên doanh nghiệp Huế, cho đến giờ vẫn chưa đủ lực và chưa đủ mạnh để cùng nhau tạo nên đột phá.

Tạo lực để thay đổi, điều đó không chỉ ở cơ chế chính sách, sự hỗ trợ và đồng hành của chính quyền mà cơ bản và quan trọng hơn là sự dấn thân của chính doanh nghiệp nữa.

HOÀNG MAI