Các chị sử dụng máy rà cạn tìm bom mìn

Thử thách khó khăn

Để chịu được sự vất vả trong công việc rà phá bom mìn, các ứng viên phải trải qua vòng kiểm tra khắt khe về sức khỏe, độ bền ý chí. Chị nào không trụ được sẽ bị  loại.

Đầu quân vào đội rà phá bom mìn đã 4 năm, nhưng chị Đinh Thị Lâm (41 tuổi) ở xã Bình Thành, TX. Hương Trà vẫn nhớ như in buổi kiểm tra thể lực đầu tiên ấy. Giữa trời nắng chang chang không một bóng mát, độ nóng lên đến con số 43, các ứng viên vừa phát cây vừa leo đồi. Làm liên tục 50 phút, ứng viên được nghỉ 10 phút. Làng của Lâm đi mấy chục người, nhưng “rụng” dần dần, chỉ mình Lâm vượt qua được thử thách.

Xã Bình Điền ứng tuyển 30 chị, nhưng “dong tay đầu hàng” hết, chỉ Võ Thị Lành trụ lại được. “Có hai chị rất cố gắng. Thế mà lại ngất xỉu khi chỉ còn 10 phút nữa là hết thời gian kiểm tra”- Lành nhớ lại. Có nhiều chị chưa thử đã bỏ cuộc, vì sợ gian khổ, sợ vắt, sợ rắn…

Thận trọng từng bước với công việc hiểm nguy

Các ứng viên đã “đạt chuẩn” thể lực và ý chí, được tập huấn kỹ lưỡng về quy trình, kỹ thuật rà, phá bom mìn. Thế nhưng, ngày đầu tiên đi làm, không ít chị cảm thấy sợ. “Trong quá trình tập huấn, mình chỉ tiếp xúc với vỏ đạn. Bom đạn hay mìn trên hiện trường lại khác, thực sự là mối nguy hiểm. Chị em phải bảo nhau cứ từ từ, cẩn thận làm đúng quy trình. Có gì không rõ, hỏi đội trưởng để được hỗ trợ. Nhìn bom đạn được lôi lên từ lòng đất, cứ thấy bỡ ngỡ”- chị Lâm, chị Ca chia sẻ.

Công việc rà phá bom mìn thực hiện theo quy trình hoạt động chuẩn SOP của quốc tế, luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu. Vậy nhưng năm ngoái, một người đội trưởng đội rà phá bom mìn ở tỉnh Quảng Trị đã thiệt mạng khi quả đạn với cơ chế hẹn giờ đặc biệt phát nổ trong lúc anh đang chuẩn bị đưa nó lên. Khi hay tin đồng đội gặp tai nạn khủng khiếp, ai cũng sốc. “Ai cũng nghĩ điều đó là không thể xảy ra. Nhưng đó lại là sự thật. Thương tiếc đồng đội, chúng tôi càng tự dặn mình tuân thủ nghiêm khắc quy trình, kỹ thuật trong lúc làm việc”- Lành nói.

Nghị lực

Trước khi đến với dự án rà phá bom mìn, chị Nguyễn Vân Ca (25 tuổi), người dân tộc Ca Tu ở xã Hồng Tiến (TX.Hương Trà), chỉ ru rú từ nhà đến rẫy. Tận ngày quyết định mua hồ sơ ứng tuyển, Ca vẫn còn “không biết Huế ở mô mà đi”. Tất cả nhân viên của các đội rà phá bom mìn, dù ở đâu thì mỗi ngày cũng phải có mặt tại nhà hoạt động của dự án, ở đường Minh Mạng thuộc xã Thủy Bằng, TX. Hương Thủy, để chuẩn bị dụng cụ và cùng đội xuất phát đến các địa điểm rà bom mìn. Vậy nên, hàng ngày, Ca một mình lúc 3, 4 giờ sáng qua quãng đường rừng núi 30 km, ngoằn ngoèo đèo dốc, tối thui mà không hề run sợ. Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa (41 tuổi) ở Phong An, chị Mùi Thị Long (33 tuổi) ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền và hầu hết các chị trong hai đội cũng đều phải đi quãng đường vài chục cây số như vậy lúc trời chưa kịp sáng.

Dự án NPA (Dự án giảm thiểu nguy cơ bom mìn- nhà tài trợ chính là Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy) tại Thừa Thiên Huế hoạt động từ năm 2011, hiện gồm có 2 đội khảo sát, rà phá, hủy nổ với 19 nhân viên, trong đó có 10 nữ. Ông Magnus Johansson, quản lý kỹ thuật hiện trường nhận xét: “Các chị ở Huế rất khỏe, làm việc rất hiệu quả. Các chị có thể cùng chung sức với nam khiêng những quả bom rất to.”

“Công việc này bắt buộc tính chấp hành kỷ luật rất cao, đã lựa chọn thì phải làm cho tốt, dù phụ nữ là người còn phải lo “hầm bà lằng” việc nhà, con cái”- chị Lâm tâm sự. Có lúc con mới 3 tháng rưỡi tuổi, Ca cũng phải ở lại địa bàn A Lưới một tuần, đi nhiều xã xử lý bom mìn theo tin báo từ đường dây nóng. “Mẹ thì cương sữa đau nhức, phải vắt bỏ, trong lúc con ở nhà uống sữa ngoài bị tiêu chảy. Nhưng cả hai mẹ con cùng cố gắng thôi” - chị nói về sự khó khăn bằng giọng hóm hỉnh.

Trần Thị Yến cũng vui vẻ chia sẻ những “pha gay cấn” của mình: “Em sinh non thằng cu út lúc thai mới 7 tháng. Hôm đó em đã mặc áo quần đồng phục để đi làm, nhưng xẩy ra sự cố bất thường nên gia đình đưa em thẳng tới bệnh viện mổ cấp cứu. Con chỉ 2,3 kg nên nuôi cũng vất vả. Hàng ngày, chưa đầy 5 giờ sáng, em dậy bồng đứa con lớn 4 tuổi qua gửi ngoại nhà ở kế bên, bồng đứa út 1 tuổi đến nhà đứa em ruột. Hai chân chạy vấp nhau. Chồng em là công nhân cạo mủ cao su, ra khỏi nhà lúc 11 giờ đêm và trở về khi 7 giờ sáng hôm sau. Vợ chồng cứ như “ngưu lang chức nữ”...”. Được cái, vợ chồng thường xuyên động viên nhau nên Yến yên tâm làm tốt công việc trên “chiến trường”.

Vào hiện trường là cánh rừng tràm tại thôn Hiền An, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, qua những vạt cỏ rậm rạp, Đội trưởng Lê Đình Phong bảo phải cẩn thận vì đây là “thủ phủ” của rắn hổ mang. Còn các chị liên tục nhắc tôi phải giữ khoảng cách an toàn, trong lúc bản thân cặm cụi bên những chiếc máy dò cạn, dò sâu, bên những hố đất mà phía dưới là đạn, là mìn đủ loại... Mắt các chị ánh lên hạnh phúc khi chia sẻ, mỗi lúc rà tìm được bom mìn ai nấy trong đội đều thấy vui, vì loại được thêm một mối nguy hiểm cho người dân, để cuộc sống bình yên hơn...

Bài, ảnh:  QUỲNH ANH