Ngay sau bản tin, cũng trong chương trình thời sự này, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình cũng đã có một cuộc trao đổi trong chuyên mục Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời xung quanh việc giải pháp nâng cao chất lượng công chức. Theo đó, một giải pháp đã được Bộ thí điểm là thi tuyển công chức theo phương thức trắc nghiệm trên máy tính. Trong khoảng 400 đề thi chuẩn bị sẵn, máy tính sẽ tự chọn ngẫu nhiên và tự quản lý thời gian thi, tự chấm điểm bài thi. Ngay sau khi tham gia thi, thí sinh sẽ biết ngay kết quả. Điều này sẽ góp phần nâng chất lượng của kỳ thi tuyển thông qua tính minh bạch, tính công bằng và tiết kiệm thời gian, nhân lực, kinh phí tổ chức cũng như hạn chế tiêu cực có thể xảy ra...

Hai việc này trong cùng một chương trình đã cho thấy tính báo động về đạo đức và chất lượng của công chức – tất nhiên là ở phạm vi, tính chất và quy mô khác nhau. Thông điệp về sự cần thiết phải được thay đổi và điều chỉnh ở lĩnh vực là điều thấy rõ. Trước đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng,
dư luận đã lên tiếng mạnh mẽ xung quanh việc Bộ Nội vụ thừa nhận tình trạng 30% công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” là có thật. Gần nhất là việc Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình “khảo sát” 7 quán cafe và phát hiện 15 cán bộ - công chức đang uống cafe trong giờ làm việc. Ở đây, chúng tôi không bàn đến việc có cần thiết hay không việc “vi hành” của lãnh đạo một tỉnh nhưng điều cơ bản nhất có thể nhận thấy, hành vi của công chức đã dẫn đến một thực tế cần phải được nhìn nhận thấu đáo là công việc của công chức ở các khía cạnh: khối lượng, chất lượng và sự vận hành, kiểm tra, giám sát của bộ máy để có sự rà soát điều chỉnh. Đây cũng là vấn đề không chỉ của một tình, thành nào.

Thế nên, giải pháp cho các kỳ tuyển mới là giải pháp mang tính cấp thời, là sự chuẩn bị cho cái đang đến. Còn giải pháp cho cái đang tồn tại mới là điều khó hơn rất nhiều. Lâu nay, bên cạnh luật công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị còn có các quy định, quy chế mang tính nội bộ nhưng tình trạng lãng phí và “ăn chặn” thời gian của Nhà nước vẫn diễn ra phổ biến. Trước khi có một giải pháp đồng bộ và khả thi, có lẽ phải “vận hành” lại ý thức trách nhiệm và cả đạo đức với công việc nữa...

Hạnh Nhi