Để tổ chức được một đám cưới tập thể như mong muốn của lãnh đạo và tập thể cán bộ LĐLĐ tỉnh là một việc làm khó. Đặc điểm tình hình lao động, việc làm ở Huế là nguồn nhân lực chủ yếu người địa phương, rất ít lao động di cư. Hơn nữa, Huế là vùng đất thần kinh, đến nay vẫn còn mang nặng  phong tục, lễ giáo phong kiến. Tính cách con người Huế thì dè dặt, hướng nội,  kín đáo. Đến tuổi kết hôn, nếu hoàn cảnh gia đình có khó khăn người ta cũng cố gắng vay mượn tổ chức cho mình một đám cưới. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng đây là một hoạt động thiếu tính khả thi, không phù hợp với điều kiện và con người xứ Huế...

Dù vậy, mọi khó khăn không thể ngăn được lòng nhiệt tình và sự quyết tâm của cán bộ công đoàn. Tôi cùng các đồng nghiệp bắt đầu cuộc hành trình về từng cơ sở, gõ cửa những cảnh đời thiếu may mắn và chúng tôi đã chạm đến được sự khát khao hạnh phúc của họ.

Cùng với Trưởng ban Nữ công LĐLĐ TP. Huế, chúng tôi chọn Chi nhánh Công ty TNHH Giã Trân (chuyên may mặc, đóng tại phường An Cựu) là điểm đến đầu tiên. Được sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo và chủ tịch công đoàn cơ sở công ty, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi biết được hoàn cảnh vợ chồng anh Lê Văn Trường (sinh năm 1982), chị Hoàng Thị Hà (sinh năm 1985) cùng quê Thanh Hóa. Ba năm trước, anh chị gặp nhau khi cùng làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh. Họ thương nhau và thương cả hoàn cảnh của nhau. Gia đình anh chị ở quê nghèo lắm, đồng lương công nhân không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Việc tổ chức một đám cưới nhỏ cũng nằm ngoài khả năng, nên anh chị đành đăng ký kết hôn và về sống với nhau, rồi cả hai chuyển về làm công nhân ở Công ty Giã Trân. Con gái của anh chị đã lên ba tuổi mà ước mơ về đám cưới vẫn không thể thực hiện…

 Ánh mắt đượm buồn, anh Lê Tự Thanh Hưng ở phường Kim Long (TP. Huế) là lao động ở Công ty Giã Trân kể về mối tình của anh với người vợ trẻ. Anh thương chị vì đồng cảm về gia cảnh của hai bên đều đơn chiếc, khó khăn, tự lập thân từ nhỏ. Giờ chị đã mang thai tháng thứ 5 nhưng anh vẫn chưa có điều kiện để được dìu chị lên xe hoa thỏa lòng mong ước về một hạnh phúc trọn vẹn.

Bẽn lẽn theo sau tôi là chị Phạm Thị Châu Uyên, quê ở TX. Hương Trà (cũng ở Công ty Giã Trân). Biết LĐLĐ tỉnh chuẩn bị tổ chức đám cưới tập thể, chị rụt rè trình bày hoàn cảnh của mình và mong muốn được tham gia. Anh chị đăng ký kết hôn đã hơn ba năm, anh làm công nhân ở Công ty Thiên An Phát, hai vợ chồng phải thuê nhà ở trọ để đi làm. Anh chị chưa được tổ chức đám cưới vì hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn....

Càng sâu sát với cơ sở, tôi càng hiểu được cuộc sống của CNLĐ còn nhiều khó khăn. Dừng chân ở Công ty cổ phần Cơ khí ô tô Thống Nhất Thừa Thiên Huế, gặp anh em công nhân, tôi lại tuyên truyền vận động... với hy vọng những hoạt động thiết thực của tổ chức công đoàn sẽ làm giảm bớt đi một phần nào đó gánh nặng âu lo về tinh thần và vật chất cho người lao động. Tôi cứ miên man tưởng tượng về nét mặt hạnh phúc của các đôi vợ chồng khi được mặc áo cưới, được uống ly rượu mừng và nhận những lời chúc phúc... Chuông điện thoại reo lên, đầu dây là một giọng nói ngập ngừng, lúng túng muốn được tham gia đám cưới tập thể, mà sau lần gặp mặt tôi mới biết anh là Đỗ Viết Cuộc, công nhân Công ty cổ phần Cơ khí ô tô Thống Nhất Thừa Thiên Huế. Quê anh ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc. Anh đã đăng ký kết hôn cùng chị là Nguyễn Thị Bích Châu nhưng chưa thể định ngày đám cưới vì hoàn cảnh còn quá nhiều khó khăn. Gia đình anh đông anh em, bố mẹ lại già yếu. Chị mồ côi từ nhỏ, bố đi bước nữa và hiện nay đang ốm đau bệnh tật. Việc làm của chị cũng chưa ổn định…

 Chị Lê Thị Hồng (sinh năm 1974), công nhân Công ty Hữu hạn Xi măng Luks (Việt Nam) ở TX. Hương Trà thì tâm sự rằng: Chị khát khao một lần được khoác lên mình váy cưới cô dâu, được bước lên xe hoa như những cô dâu khác. Nhưng đời không như là mơ, chị cũng có nhiều mối tình dang dở và thời con gái của chị đã qua đi tự lúc nào, chị đành quyết định viết đơn xin làm mẹ đơn thân. Năm nay, con gái chị đã thi vào đại học. Cứ tưởng cuộc sống đơn chiếc nuôi con dần trôi qua, không ngờ hạnh phúc đã mỉm cười với chị. Anh chị gặp nhau, thương nhau nhưng phần thì hoàn cảnh khó khăn, phần vì đã lớn tuổi nên họ về sống với nhau mà không tổ chức đám cưới. Giờ đây, nỗi khát khao của chị sắp trở thành hiện thực. Đôi mắt chị ánh lên khi nghĩ về một niềm hạnh phúc giản dị...

Cầm trên tay tờ báo Thừa Thiên Huế, bất chợt đọc bài viết “Sẽ có một đám cưới tập thể tuyệt vời” với nội dung phỏng vấn Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Khoa Hoài Hương về mục đích, ý nghĩa và công tác chuẩn bị tổ chức đám cưới tập thể lần thứ I, chị Mai Nguyễn Đoan Trang, nhân viên văn thư Trường mầm non Xuân Phú (TP. Huế) nước mắt rưng rưng. Hai năm trước, vợ chồng chị định tổ chức ra mắt gia đình hai bên, nhưng niềm vui đành gác lại vì bố chị ốm nặng và giờ đã qua đời. Anh chị tự nguyện về sống với nhau. Con trai của họ đã hơn 7 tháng tuổi. Nỗi đau mất cha vẫn còn đó và nỗi khát khao một hạnh phúc trọn vẹn của một gia đình nhỏ cũng đang day dứt trong lòng. Chị tha thiết muốn làm cô dâu và ngày 28/7/2017, chị sẽ là một trong số 22 cô dâu rạng ngời bước lên xe hoa.

Thu Nam