Vào hội
Chúng tôi đến khu làng nghề truyền thống Huế nằm trên đường Huyền Trân Công Chúa, phường An Tây, TP Huế vào một chiều trung tuần tháng 3. Sở dĩ gọi đây là khu làng nghề Huế bởi hội tụ đầy đủ các sản phẩm làng nghề Huế, từ mộc mỹ nghệ, gốm sứ, nón lá, hương trầm đến đúc đồng, tre mỹ nghệ, nội thất từ mây tre đan, hoa giấy… khá phong phú và đa dạng chủng loại. Không chỉ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm làng nghề, trên 20 cửa hàng tại đây còn tổ chức thao diễn nghề se hương, chằm nón và hướng dẫn du khách các công đoạn để tạo ra sản phẩm làng nghề. Nằm trên tuyến du lịch trọng điểm của Huế và nối liền với hai di tích lớn đó là lăng Tự Đức và Đồng Khánh, khu làng nghề này luôn thu hút nhiều du khách dừng chân, đặc biệt là vào các dịp Festival Huế hay Festival nghề truyền thống.
Khách du lịch quốc tế thích thú xem các thiếu nữ Huế thao diễn nghề chằm nón tại Khu làng nghề đường Huyền Trân Công Chúa |
Khác với không khí mua sắm ồn ào và tấp nập như tại các chợ truyền thống mỗi lần có các đoàn khách du lịch dừng chân, khu phố này dường như đã quen với việc đón và phục vụ khách với thái độ niềm nở, nhiệt tình dẫu du khách có mua hàng hay không. Tại Cửa hàng Phương Loan ở 68 Huyền Trân Công Chúa, khi chúng tôi đến đang có một đoàn khách du lịch đến từ Pháp dừng chân và tham quan cửa hàng. Chị Nguyễn Thị Loan và các nhân viên đang hướng dẫn cho khách cách se hương, từ công đoạn trộn bột, nhuộm màu đến khâu hoàn thiện thành một cây hương; tiếp đến là cách xoay lá để chằm chiếc nón bài thơ... Sau hơn nửa tiếng đồng hồ tham quan, thao diễn nghề và được chị giới thiệu sản phẩm bằng tiếng Pháp hẳn hoi, đoàn khách chia tay ra về và chỉ mua vỏn vẹn một chai nước uống. Vậy nhưng, chị chủ cửa hàng vẫn vui vẻ chào khách và không quên hẹn ngày gặp lại. “Mình kinh doanh ở đây được 16 năm và rất vui mỗi lần có khách ghé cửa hàng. Chuẩn bị cho Festival nghề truyền thống Huế 2013, cửa hàng tăng cường chuẩn bị hàng hóa, trang hoàng lại khu vực trưng bày sản phẩm và tranh thủ thời gian rảnh học thêm ngoại ngữ để dễ dàng giao tiếp với khách bởi đây là thời điểm khách du lịch đến tham quan và mua sắm rất đông”, chị Loan cho biết.
Ông Venteux Cyril, du khách Pháp cho biết: “Khu làng nghề này luôn nhộn nhịp và đặc biệt là chủ nhân rất nhiệt tình, cởi mở và vui tính. Họ đã hướng dẫn tôi cách se Hương, giúp vợ tôi cách chằm nón và giới thiệu về các sản phẩm làng nghề đặc trưng của Huế cho chúng tôi mà không đòi hỏi phải mua hàng. Nhờ vậy nên tôi mới biết Huế có khá nhiều sản phẩm làng nghề mang dấu ấn rất riêng không nơi nào ở đất nước Việt Nam có được. Các sản phẩm làng nghề có giá rẻ nhưng được làm rất công phu và tỉ mỉ. Tôi biết Huế nhiều hơn thông qua khu phố này”.
Cơ hội cho nghề truyền thống
Huế được xem là cái nôi của nhiều làng nghề truyền thống Huế, từ làng nghề đúc đồng Phường Đúc, làng mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, đan đát Bao La đến làng hoa giấy Thanh Tiên cùng với một số nghề truyền thống như thêu, kim hoàn, điêu khắc… Cùng với các hoạt động thao diễn nghề, trưng bày giới thiệu sản phẩm, dịp Festival nghề truyền thống Huế 2013, Sở Công thương sẽ tổ chức Hội thi thiết kế sản phẩm quà tặng, hàng lưu niệm - Huế năm 2013 nhằm tạo ra cuộc đua tài và cơ hội giao lưu, gặp gỡ giữa các nghệ nhân và các làng nghề truyền thống.
Thông qua cuộc thi, các nghệ nhân Huế sẽ đầu tư công sức và thời gian để thiết kế các sản phẩm lưu niệm, quà tặng độc đáo, góp phần tạo thêm không khí sôi động và ý nghĩa dịp Festival nghề truyền thống, đồng thời để các sản phẩm làng nghề ngày càng tinh xảo và hoàn thiện hơn.
Cùng với không khí rộn ràng ở các làng nghề như mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, đan đát Bao La và một số làng nghề truyền thống Huế, Cơ sở điêu khắc mỹ nghệ Thái Vinh ở 40 Nguyễn Sinh Cung, TP Huế những ngày này như sôi động hơn. 37 tuổi, song chủ cơ sở này, anh Phùng Hữu Thái đã gắn bó với nghề mộc mỹ nghệ hơn 25 năm và được UBND tỉnh phong tăng danh hiệu nghệ nhân cách đây 5 năm. Năm 2012, anh vinh dự được Ban Tổ chức chương trình truyền thông quảng bá sản phẩm dịch vụ tiêu biểu 2012 trao giải “Bàn tay vàng Việt Nam” cùng với nhiều giải thưởng quan trọng khác. Chuẩn bị cho Festival nghề năm nay, cơ sở đang huy động 20 nhân công sản xuất các loại tượng gỗ như tượng “Đạt Ma Sư Tổ”, “Khổng Minh”, “Di Lặc” và loại tượng gỗ nhỏ có kích thước từ 10-40 cm để phục vụ khách du lịch và tham gia thao diễn nghề.
Anh Phùng Hữu Thái, chủ cơ sở điêu khắc mỹ nghệ Thái Vinh cho biết: “Năm nào có Festival nghề, cơ sở đều chuẩn bị hàng hóa phục vụ du khách và tham gia Hội thi thiết kế sản phẩm quà tặng, hàng lưu niệm- Huế năm 2013 do tỉnh tổ chức. Năm nay chúng tôi sẽ trình làng các sản phẩm điêu khắc từ gỗ và các sản phẩm lưu niệm điêu khắc có mẫu mã mới và phong phú chủng loại nhằm góp phần cùng với các cơ sở khác tạo nên nét tinh hoa cho nghề truyền thống Huế”.
Festival nghề truyền thống Huế 2013 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” sắp diễn ra trên địa bàn TP Huế và các địa phương trong tỉnh với nhiều chương trình và lễ hội độc đáo. Hy vọng, với sự chuẩn bị tích cực và khá chu đáo từ phía các làng nghề, cơ sở kinh doanh và sự nhập cuộc của các nghệ nhân Huế, nhiều sản phẩm làng nghề và các mặt hàng lưu niệm tinh xảo sẽ có mặt để phục vụ du khách, góp phần tạo nên thành công cho sự kiện trọng đại này.
Thanh Hương