Vinh Hà đưa cơ giới vào sản xuất

Vinh Hà có gần 1.000 ha trồng lúa. Sản xuất nông nghiệp (SXNN) là ngành nghề chính của người dân địa phương.

Trong điều kiện hạ tầng sản xuất manh mún, đê ngăn mặn Tây đầm Cầu Hai xuống cấp nghiêm trọng; khu vực Bàu Ô, nơi tập trung phần lớn diện tích nông nghiệp bị ngập úng, năm 2011, được sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước, chính quyền địa phương phối hợp với Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi Thừa Thiên Huế vận động người dân tổ chức tiêu khô vùng trũng Bàu Ô để đưa cơ giới vào phục vụ SXNN.

Ban đầu, nhiều người e ngại với đặc thù của Bàu Ô là vùng đất trũng, dễ lầy… sẽ khó vận hành máy móc. Cùng với việc phổ biến, giải thích về sự tiến bộ của KHKT khi tiến hành việc tiêu khô nước đồng ruộng để đưa cơ giới vào hoạt động, xã tiến hành thử nghiệm trên 100 ha tại vùng Ô Thành.

Kết quả vụ đầu tiên, người dân chỉ phải trả 2,2 triệu đồng/ha tiền thuê máy gặt, giảm gần 5 triệu đồng/ha so với việc thuê nhân công gặt thủ công. Máy móc hoạt động nhanh giúp người dân chủ động thời gian thu hoạch trong trường hợp xảy ra tình hình thời tiết phức tạp.

Ông Đặng Thảnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vinh Hà phân tích: “Trước đây, mùa gặt thuê nhân công mất 7 triệu đồng/ha, gặp thời tiết bất thường nguy cơ thất thu không tránh khỏi. Nhờ chứng minh từ thực tế, người dân hưởng ứng nhiệt tình nên mô hình nhanh chóng nhân rộng trên toàn xã”.

Số lao động dôi ra sau khi đưa cơ giới hóa vào SXNN, Đảng bộ Vinh Hà chỉ đạo các ban, ngành tích cực triển khai công tác dạy nghề, hỗ trợ người dân đi xuất khẩu lao động; thực hiện ủy thác thông qua ngân hàng chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện cho người dân vay vốn khởi nghiệp. Một số người chuyển sang làm các ngành nghề khác như thợ may, thợ xây… thu nhập cao hơn làm nông.

Tương tự, với 381ha diện tích mặt nước, nuôi trồng thủy sản (NTTS) cũng là ngành kinh tế mũi nhọn được Vinh Hà áp dụng KHKT vào sản xuất, như chọn giống, xử lý, cải tạo ao hồ… để sản xuất theo hướng bền vững.

Sau nhiều năm người dân ở đây tập trung nuôi chuyên tôm, lợi nhuận có lúc tạo được đột phá, nhưng rủi ro nhiều, dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến nhiều hộ nuôi lâm vào cảnh phá sản, môi trường nước ngày càng ô nhiễm.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương cùng các hộ dân nghiên cứu, quyết định chuyển từ nuôi chuyên tôm sang nuôi xen ghép nhiều đối tượng thủy sản, gồm: tôm, cua, cá dìa, cá kình… vừa tăng hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước, vừa góp phần cải tạo chất lượng môi trường sinh thái, giảm dịch bệnh.

Ông Nguyễn Chánh, ở thôn 4 có 1 ha mặt nước NTTS đã hơn 20 năm kể: “Hơn 10 năm tôi nuôi chuyên tôm, tuy chưa gặp rủi ro lớn, nhưng bà con nhiều người “thua trắng”, mà nguồn nước thì ngày càng giảm chất lượng nên không yên tâm. Năm 2014, được sự vận động của chính quyền địa phương, tôi chuyển sang mô hình NTTS theo hướng xen ghép, nguồn nước được cải thiện rõ rệt mà thu nhập vẫn đảm bảo”.

Theo ông La Đình Tân, Chủ tịch UBND xã Vinh Hà, tiếp tục dựa vào sản xuất nông nghiệp và NTTS để phát triển kinh tế theo hướng bền vững, Vinh Hà cần có sự hỗ trợ kinh phí trong việc đầu tư nâng cấp hệ thống đê bao vùng ruộng Bàu Ô và hệ thống đê Tây đầm Cầu Hai, bảo đảm ngăn mặn không chỉ trên địa bàn xã mà cả với các địa phương lân cận, cũng như đầu tư hạ tầng NTTS.

Hơn 95% diện tích NTTS ở Vinh Hà đã huyển sang mô hình nuôi xen ghép, góp phần tăng giá trị đánh bắt và NTTS lên gần 110 tỷ đồng/năm, chiếm 42,9% tổng thu nhập toàn xã, được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào NTTS của huyện Phú Vang.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN